Sơn La, Yên Bái khắc phục hậu quả mưa đá, dông lốc

Vào chiều tối 16-2, tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bất ngờ xảy ra mưa đá kèm dông lốc kéo dài trên địa bàn năm xã của huyện, gồm: Chiềng Ngàm, Noong Lay, Mường Khiên, Liệp Tè, Bó Mười, khiến hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 40 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề; ba trường học và một trạm y tế bị tốc mái; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả chuẩn bị cho thu hoạch thiệt hại.

Cơn dông lốc kèm mưa đá đã làm 10 phòng học của Trường THCS Liệp Tè (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) bị tốc mái. Ảnh: VŨ CÔNG ÐỊNH

Cơn dông lốc kèm mưa đá đã làm 10 phòng học của Trường THCS Liệp Tè (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) bị tốc mái. Ảnh: VŨ CÔNG ÐỊNH

Là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề, xã Chiềng Ngàm đã huy động lực lượng Ban Chỉ huy phòng, chống lũ bão của xã, lực lượng dân quân, công an và đoàn thanh niên khắc phục sự cố, giúp người dân dọn dẹp nhà cửa; đồng thời tiến hành thống kê, kiểm đếm thiệt hại để đề xuất mức hỗ trợ.

* Tại Yên Bái, chiều 16-2, tại xã Púng Luông và một số khu vực trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, xảy ra mưa đá. Tại xã Púng Luông, mưa lớn kéo dài khoảng 15 phút, trong đó hai phút đầu xuất hiện hạt đá to bằng ngón tay cái. Mưa đá đã làm 14 ngôi nhà ở bốn thôn bị tốc mái, làm hư hại một số diện tích rau màu. Chính quyền địa phương đang thống kê và huy động lực lượng hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải đánh giá trận mưa đá gây thiệt hại hoa màu không đáng kể. Ðầu xuân, người dân xuống giống nhiều loại cây trồng cho nên cơn mưa làm giảm khô hạn kéo dài ở địa phương. Gần đây, mỗi năm trên địa bàn thường xảy ra một đến hai trận mưa đá.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 17 giờ ngày 16-2, diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018 - 2019 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ đạt 96,29% kế hoạch. Ðể bảo đảm yêu cầu bổ sung nguồn nước cho hạ du sông Hồng theo đúng lịch điều chỉnh, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã tăng cường phát điện các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang từ 12 giờ ngày 13-2.

* Theo Cục Trồng trọt, tình hình thời tiết vụ đông xuân 2018 - 2019 các tỉnh phía bắc thời gian tới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, cực đoan, sẽ là vụ nghiêng ấm. Ðể bảo đảm kế hoạch diện tích, năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân ở miền bắc, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía bắc chỉ đạo tốt biện pháp kỹ thuật và chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại.

* Tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để vận hành tích nước các hồ đập, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện 18 hồ chứa trên địa bàn sẽ bảo đảm nước tưới cho vụ đông xuân 2018 - 2019.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, rãnh áp thấp bị nén có trục qua khu vực vùng núi Bắc Bộ đang mờ dần đi. Hội tụ gió trong đới gió tây trên cao hoạt động mạnh dần lên ở khu vực Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoạt động của hội tụ gió trên cao, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông diện rộng, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30 đến 70 mm/24 giờ, riêng các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh có nơi từ 50 đến 100 mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39233102-son-la-yen-bai-khac-phuc-hau-qua-mua-da-dong-loc.html