Sơn La: Xã ký hợp đồng kinh tế sai luật với người dân?!

UBND xã Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) buông lỏng quản lý đất đai trong nhiều năm liền, đã dẫn đến hàng loạt các sai phạm xảy ra ở khu đất Nà Tơ, xã Sốp Cộp. Thậm chí, UBND xã còn ký hợp đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật với người dân.

Tranh cãi nguồn gốc đất

Vừa qua, như Dân Việt đã đưa tin, hàng chục hộ dân đang sinh sống nhiều năm liền tại khu đất Nà Tơ (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp) có nguy cơ bị thu hồi lại mặt bằng mà không có đền bù, hỗ trợ. UBND xã Sốp Cộp cho rằng, đất ở khu Nà Tơ, bản Nà Lốc (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) là đất 5%. Do đó những hộ dân đang ở đây trong những năm qua chỉ là dân thuê đất làm ăn nên sẽ phải trả lại xã mặt bằng mà không được nhận đền bù, hỗ trợ gì.

PV Dân Việt đã gặp Trưởng bản Nà Lốc và những người đầu tiên dựng nhà ở khu đất này. Ông Quàng Văn Lẻ - nguyên Trưởng bản Nà Lốc cho biết: “Tôi làm trưởng bản Nà Lốc từ năm 2003 nên tôi biết rõ hiện trạng khu đất Nà Tơ. Ở đây có một con mương thủy lợi làm ranh giới giữa đất 5% và đất hành lang giao thông.

Tức là từ tuyến mương đó đổ ra suối là đất 5%, còn từ mương hất ra mép đường là đất hành lang giao thông. Những ngôi nhà mà các hộ dân đang sinh sống ở khu Nà Tơ này được làm trên diện tích đất ven đường, chứ không phải là đất 5% của xã”.

Các hộ dân sống tại khu Nà Tơ, bản Nà Lốc (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp) đang không biết đi đâu về đâu khi thời gian gần đây, UBND xã Sốp Cộp liên tục gửi thông báo và thông tin trên loa đài yêu cầu phải sớm tháo dỡ, di dời nhà cửa để trả lại khu đất trên làm công viên cây xanh

Ông Quàng Văn Lẻ (người ngồi ngoài cùng bên phải) trao đổi với phóng viên Dân Việt về nguồn gốc đất tại khu Nà Tơ, bản Nà Lốc

Còn ông Lường Văn Thương, bản Huổi Pe (xã Sốp Cộp) kể lại: từ năm 1994, ông làm ủy nhiệm thu thuế của xã Sốp Cộp. Năm 2002, ông được xã chia cho 1 ô đất ở khu Nà Tơ. Ô đất đó có chiều rộng chừng 5m, chiều dài kéo ra tới suối.

“Sau khi nhận đất, tôi đã dựng tạm một ngôi nhà để bán hàng. Phần đất tôi dựng nhà là đất hành lang, chiều dài khoảng 6,5m. Từ sau ngôi nhà của tôi hất ra suối là đất 5%. Khi tôi dựng nhà, lãnh đạo xã cũng không có ý kiến gì. Hơn 1 năm sau tôi chuyển nhượng lại ngôi nhà đó cho anh Hoàng Văn Thiều. Hiện gia đình anh Thiều vẫn đang sinh sống ở đó” – ông Thương cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Công Lực – Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp, cho rằng: "Đất ở khu Nà Tơ, kể cả diện tích mà các hộ dân dựng nhà đều là đất 5%. Hàng năm, UBND xã kí hợp đồng cho thuê đất 5% của xã đối với các hộ dân. Xã đã nhiều lần thông báo yêu cầu các hộ tháo dỡ nhà cửa, trả lại mặt bằng cho xã để thực hiện dự án khuôn viên cây xanh. Nếu các hộ dân không tự tháo dỡ sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật".

Điểm lạ trong bản Hợp đồng

Khi chúng tôi đề nghị ông Lực cung cấp hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất ở khu Nà Tơ là đất 5%, vị Chủ tịch xã Sốp Cộp chỉ đưa ra được bản đồ dải thửa, biên bản kiểm tra việc sử dụng đất và các hợp đồng kinh tế với các hộ dân. Tuy nhiên, Hợp đồng kinh tế cho thuê đất giữa UBND xã với các hộ dân cũng chỉ có từ năm 2010, mặc dù các hộ dân đã làm nhà, sinh sống ở đó từ hàng chục năm trước.

Còn về các loại giấy tờ khác như: Văn bản chứng nhận diện tích đất 5% ở khu Nà Tơ, số ô, số thửa, diện tích cho hộ gia đình, cá nhân nào thuê thầu sử dụng… ông Lực không đưa ra được. Cho đến ngày 6.9, khi làm việc với phóng viên Dân Việt, diện tích đất ở khu Nà Tơ mà cán bộ xã đang gọi là 'đất 5%" này cũng vẫn không được ghi vào sổ mục kê của xã theo quy định.

Thêm nữa, có điều “rất lạ” về nội dung ghi trong các hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Sốp Cộp với các hộ dân. Ví dụ trong Hợp đồng kinh tế số 09/HĐ-UBND, ngày 1.4.2017 của UBND xã Sốp Cộp giữa Bên A (UBND xã Sốp Cộp – PV) cho bên B (anh Hoàng Văn Thiều – PV) thuê thầu đất 5% do UBND xã quản lý, với tổng diện tích đất là 196,6m2. Nội dung ghi: Diện tích sử dụng đúng mục đích là 115,4m2; Diện tích sử dụng sai mục đích (làm nhà ở - PV) là 81,2m2, thuộc bản Nà Lốc.

Vậy là, theo các hợp đồng kinh tế này, UBND xã Sốp Cộp đã xác nhận việc sử dụng sai mục đích của các hộ dân?!

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Đinh Công Luân – Trưởng văn phòng Luật sư Đinh Công Luân khẳng định: “Nội dung Hợp đồng kinh tế cho thuê đất 5% giữa UBND xã Sốp Cộp với những hộ dân ở khu Nà Tơ như trên là vi phạm pháp luật. Bởi nếu người dân đang sử dụng sai mục đích là làm nhà trên đất 5%, tại sao chính quyền xã vẫn làm Hợp đồng kinh tế cho thuê đất? Nội dung ghi trong Hợp đồng như vậy là trái pháp luật, không có giá trị”.

“Đây là cái sai của chính quyền cơ sở do buông lỏng quản lý. Sai phạm nối tiếp sai phạm. Khi xã phát hiện cái sai, chính quyền xã phải xử lý, thu hồi đất đó rồi sau này mới cho thuê mới đúng” – ông Luân giải thích.

Mặc dù Hợp đồng kinh tế không có giá trị về pháp lý, song chính quyền xã Sốp Cộp vẫn ra nhiều thông báo yêu cầu hơn chục hộ dân tháo dỡ nhà cửa, chuyển đi nơi khác, trả lại mặt bằng cho xã.

Đổ lỗi cho thế hệ lãnh đạo cũ

Năm 2006, tức là sau khi thành lập huyện Sốp Cộp được khoảng 2 năm, UBND xã Sốp Cộp tiến hành kiểm tra, lập biên bản về việc kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ dân ở khu Nà Tơ. 6 biên bản kiểm tra đều kết luận là các hộ dân sử dụng một phần diện tích đất sai mục đích, tức là dựng nhà trên đất 5% của xã. Tuy nhiên, sau đó không hề có biên bản xử phạt hành chính.

Làm việc với Dân Việt, ông Trần Công Lực, Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp cho rằng, việc để người dân làm nhà trên đất 5% do UBND xã quản lý mà không xử lý là do chủ tịch xã các khóa trước

“Tôi chuyển về làm chủ tịch xã Sốp Cộp được mấy năm nay. Việc để người dân làm nhà trên đất 5% do chủ tịch xã các khóa trước. Khi kiểm tra, phát hiện các hộ dân vi phạm, sử dụng sai mục đích, làm nhà trên đất 5%, song không lập biên bản xử phạt hành chính, không xử lý dứt điểm là lỗi của ông chủ tịch xã thời điểm đó. Chúng tôi chỉ là người kế thừa thôi” – ông Trần Công Lực, Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp cho hay.

Còn ông Vũ Triệu Phú, Trưởng phòng TN&MT huyện Sốp Cộp, cho biết: Đa số các đời chủ tịch xã trước kia có những thỏa thuận “ngầm”, thu phí “ngầm” nên mới có những sai phạm như trên. “Chúng tôi đã xử phạt rất nhiều những vụ sai phạm như trên rồi” – ông Phú cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi: “Tại sao khu đất đấy phát sinh sử dụng hàng chục năm qua mà đến nay chính quyền xã vẫn không đưa vào sổ mục kê ?”.

Ông Vũ Triệu Phú giải thích: "Do thiếu kinh phí nên chưa thể đo đạc để đưa vào sổ mục kê. Về sau, khi chính quyền đã quản lý chặt chẽ hơn, để tránh thất thoát nguồn thu đối với Nhà nước nên mới ký hợp đồng cho các hộ dân thuê".

Phóng viên Dân Việt làm việc với ông Vũ Triệu Phú - Trưởng phòng TN&MT huyện Sốp Cộp

“Cán bộ cơ sở trước đây còn chưa được gọi là cán bộ công chức, do vậy mới xảy ra những việc lỏng lẻo trong công tác quản lý đất đai ở địa phương. Gần đây khi chính quyền cơ sở được nâng cao, việc thực hiện chức năng quản lý địa phương mới tốt hơn” – ông Phú lý giải về việc buông lỏng quản lý những năm trước đây.

Cũng theo ông Phú, chính quyền cơ sở chưa kiểm tra kịp thời khu đất tại Nà Tơ do huyện Sốp Cộp là huyện miền núi, biên giới vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, dữ liệu đất đai, hồ sơ, sổ sách các thứ liên quan đến khu đất Nà Tơ cũng chưa được xây dựng hoàn thiện.

VP Tây Bắc

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/son-la-xa-ky-hop-dong-kinh-te-sai-luat-voi-nguoi-dan-911295.html