Sơn La và nỗi buồn mang tên 'vàng trắng' (3): Chuyện nhặt dưới tán rừng cao su

Từ ngày chuyển đến vùng tái định cư ở xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nhiều hộ dân mừng ra mặt khi được cấp đất hợp tác trồng cây cao su. Thế nhưng niềm vui của bà con với công việc mới chẳng được bao lâu khi rừng cao su khép tán thì việc làm cỏ, bón phân cũng thưa dần. Đất để trồng trọt không còn, lương chưa được nhận, nhiều gia đình phải đi cầm cố đồ đạc lấy tiền mua thức ăn.

Cầm cố đồ đạc lấy tiền ăn chờ… đổi đời

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2008, để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, khoảng 10 hộ dân tại bản Pạ, xã Cà Nà, huyện Quỳnh Nhai được chuyển đến nơi ở mới tại bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Thời điểm này, chủ trương trồng cao su đang được tiến hành nên chính quyền cấp cho mỗi gia đình 4 người 1,5ha và gia đình 6 người là 2ha đất.

“Khi chúng tôi xuống đây thấy các hộ khác trồng cao su hết rồi nên mình cũng được vận động trồng theo. Chỉ có điều các hộ sở tại vẫn có ao hồ, vườn ruộng để làm thêm, còn 10 hộ dân trong diện tái định cư chúng tôi thì không có gì cả đến chỉ biết bám vào rừng cao su”, anh Lương Văn Bui nói.

Cũng chung cảnh ngộ, anh Lò Văn Hai cho biết: “Làm công nhân từ 2008 - 2011, mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận được 500.000 - 600.000 đồng làm cỏ, trồng cây. Về sau cao su khép tán, việc làm cỏ, bón phân công nhân cao su không cần nữa nên chúng tôi đành tìm việc làm thuê như chặt mía, hái cà phê, phụ hồ để kiếm miếng ăn qua ngày. Có dạo không có việc chúng tôi phải cầm cố đồ đạc lấy tiền ăn, hiện nay mỗi nhà nợ tầm 5 - 6 triệu đồng”.

Người dân lo lắng về tương lai của cây cao su cũng như cuộc sống bấp bênh của gia đình. Ảnh: PV

Người dân lo lắng về tương lai của cây cao su cũng như cuộc sống bấp bênh của gia đình. Ảnh: PV

Cũng theo anh Hai, do công việc khoán theo sản phẩm (thời vụ không có việc thì công ty không trả lương) nên người dân có ý định lấy lại đất để canh tác vì… đói quá. “Tuy nhiên công ty trả lời nếu muốn lấy lại đất thì phải đóng 800 triệu đồng/ha. Họ cứ hứa là đến khi thu hoạch sẽ trả lương công nhân (mỗi gia đình được 1 công nhân) là 5 - 6 triệu. Thế nhưng thực tế cao su làm gì có mủ mà thu, nên tiền cũng chẳng có”, anh Hai bày tỏ.

Riêng hộ gia đình ông Lò Văn Pành là một trong những hộ bán mía non để trồng cao su. “Năm đấy nhà tôi đang trồng 2 ha mía, cũng tốt ngang vai rồi. Tôi nghe cán bộ vận động là trồng cao su sau này sẽ giàu nên quyết định bán mía với giá 300 đồng/kg (giá mía hiện tại là 800 đồng/kg). Gia đình tôi là 1 trong 29 hộ cuối cùng của Mường Bon trồng cao su. Hồi đấy tôi còn được nhận giấy khen là có diện tích trồng cao su nhiều nhất (2,7ha). Cũng nhờ có nhiều diện tích góp mà con tôi được nhận vào làm công nhân cho công ty cao su”, ông Pành kể.

Thế nhưng, sau cả chục năm góp đất trồng cao su đến nay, ông Pành cũng như nhiều hộ dân tái định cư khác vẫn chỉ biết dài cổ mong ngóng cây cao su cho mủ. “Tôi giờ đã hết hy vọng vào sự đổi đời từ cao su rồi. Nhưng đất thì đã góp giờ không biết phải làm thế nào. Biết lấy gì mà sinh sống đây?”, người đàn ông này thở dài.

Hiệu quả thực sự của cây cao su ở Sơn La sau 10 năm triển khai vẫn còn là dấu chấm hỏi...

Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi gặp ông Tòng Văn Quân, người từng làm Đội trưởng Đội Sản xuất của Công ty Cao su. Ông Quân kể: “Ngày ấy đội có 200 người, tuy nhiên việc ít, thu nhập thấp nên tôi nghỉ. Năm 2009 – 2012, cây đang lớn, đang phát triển tốt, vẫn có chính sách hỗ trợ lao động, gọi là giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Từ năm 2013 thì công việc bắt đầu thu hẹp lại. Năm 2014 - 2015, cây khép tán không xen canh trồng ngô được nữa. Việc chăm sóc cây cũng giảm theo chu kỳ phát triển, bón phân hay rẫy cỏ cũng không cần nhiều lao động. Giờ cả đội chỉ còn khoảng 60 người, nhiều năm mọi người đều không có bảo hiểm hay quyền lợi gì. Nói chung là khó khăn lắm”.

Cần những giải pháp thiết thực

Sau bao năm mòn mỏi chờ đợi, đến thời điểm này những hộ dân góp đất trồng cao su đang đứng trước những khó khăn về vấn đề mưu sinh và cuộc sống thường ngày. Người dân mong muốn có thêm những cuộc đối thoại với chính quyền và công ty cao su để xác định nếu việc khai thác cao su không hiệu quả thì xem xét trả lại đất cho bà con canh tác giống cây khác. Nếu tiếp tục chu kỳ thì phải xác định rõ lộ trình thu hoạch, lợi nhuận để tạo thu nhập ổn định cho người dân.

“Hiện tại hơn 300 người ở xã Mường Bo đã xin nghỉ không làm công nhân cho công ty cao su nữa. Thế nhưng họ là dân bản địa còn ít ruộng để canh tác còn chúng tôi là người dân tái định cư nên không có gì cả. Nếu cứ dai dẳng tình trạng này chúng tôi coi như mất hết tất cả, việc ăn học của con cái cũng đành dở dang”, anh Lường Văn Khi lo lắng.

Bà con trồng cây cao su mong muốn có thêm nhiều cuộc đối thoại với Công ty Cao su để giải quyết vướng mắc hiện tại.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lường Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cho biết: “Tổng công ty cao su hôm nọ đã họp cùng người dân và phối hợp với chính quyền lên phương án hỗ trợ sản xuất. Trong đó có việc hỗ trợ vay ngân hàng mua bò, lợn, gà và hỗ trợ trồng cây dưới tán cao su. Thế nhưng hầu hết bà con không đồng ý mà họ chỉ muốn đòi lại đất để tự canh tác”.

Còn ông Lường Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu) chia sẻ: “Ngày đầu trông cao su mới khai hoang thì nhiều việc nhưng về sau việc thưa nên công nhân bỏ việc dần. Xã Tông Lạnh có 61 công nhân, 40 công nhân có đóng bảo hiểm, còn 21 công nhân theo thời vụ. Lương trung bình bây giờ chỉ 1,2 triệu/tháng. Nói chung kinh tế người dân không ổn từ ngày trồng cây cao su đến giờ nên người dân cũng mong muốn được hỗ trợ để ổn định hơn”.

Về phản ánh thu hoạch cao su không hiệu quả, ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La cho biết: “Hợp đồng có sự thống nhất giữa tập đoàn, tổng công ty các ban ngành của tỉnh và người dân tổng là 30 năm. Năm thứ 9 mới khai thác, khai thác xong sẽ có tận thu thanh lý gỗ cao su. Tuy nhiên do một số người dân chưa nắm rõ được nên mới nói là 6-7 năm. Những năm đầu cạo sản lượng sẽ ít, thu nhập chưa cao được, nhưng năm thứ 3 trở đi sản lượng cao hơn".

"Ngay ban đầu triển khai chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng và các đoàn thể trực tiếp đến vận động người dân góp đất trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc gì. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và hiệu quả sau này của cây cao su", ông Đức nói.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/son-la-va-noi-buon-mang-ten-vang-trang-3chuyen-nhat-duoi-tan-rung-cao-su-20190325004721416.htm