Sơn La: Siết chặt bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tại các cơ sở cà phê

Chiều 19/10, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, UBND các huyện về công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải của các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La.

1 cơ sở tại phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La có hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường

Đa số cơ sở chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn

Trước khi vào niên vụ cà phê 2018-2019, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê.

Trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Đoàn kiểm tra đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Ngày 6-8/8, Đoàn đã kiểm tra với 7 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê tập trung trên địa bàn 3 huyện, thành phố. Tại thời điểm kiểm tra, 6/7 đơn vị thuộc diện kiểm tra chưa chấp hành kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Sở TN&MT; không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Đoàn đã yêu cầu các đơn vị phải xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê.

Đến ngày 27/8 và 24/9, Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế - Chi nhánh Sơn La. Kết quả, cơ sở vẫn đang hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến cà phê ướt tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu dù chưa có các thủ tục pháp lý liên quan (cấp phép đầu tư, xây dựng, môi trường). Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty dừng hoạt động sản xuất.

Kiểm tra công tác BVMT tại Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh sáng 19/10

Ngày 13/10, nhận được phản ánh ô nhiễm nguồn nước tại Mường Chanh, huyện Mai Sơn. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế và làm việc với Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh. Ghi nhận thực tế cho thấy Cơ sở đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải cà phê với công suất 100m3/ ngày đêm. Một phần vỏ cà phê (khoảng 100m3) được cơ sở đổ gần hồ biogas, để ngoài trời, không có mái che. Theo cơ sở báo cáo, thời điểm đổ từ ngày 10/10/2018. Nước rỉ từ vỏ cà phê chưa được thu gom, chảy vào rãnh thoát nước mưa rồi chảy ra suối cạnh khuôn viên cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra mương thoát nước còn khoảng 1m3 nước rỉ từ vỏ cà phê; cơ sở đã đắp đất để ngăn nước thải chảy ra suối. Đơn vị đang lắp máy bơm để bơm nước còn tồn đọng vào bể chứa nước thải. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Vận chuyển vỏ cà phê vào khu vực lưu chứa theo đúng nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Thu gom nước rỉ từ vỏ cà phê vào hệ thống xử lý nước thải để xử lý, thực hiện thau rửa rãnh thoát nước mưa đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Riêng với Nhà máy sơ chế, chế biến cà phê Minh Tiến tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, Sở TN&TM đã ban hành 2 công văn đề nghị Sở KH&ĐT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.

Ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La nhận định: Niên vụ cà phê 2018-2019, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo kịp thời và có sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, kiểm tra trước niên vụ và có phòng ngừa, yêu cầu xử lý với các cơ sở đã gây ô nhiễm trong niên vụ trước. Tuy nhiên, lại phát sinh ở những vị trí khác, vẫn còn hiện tượng xả trực tiếp nước thải ra môi trường chưa qua xử lý.

1 hồ chứa nước thải tại 1 cơ sở nhỏ lẻ có hiện tượng rò rỉ nước thải ra môi trường

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế - Chi nhánh Sơn La

Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm

Hiện nay, diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt hơn 18.500ha, trong đó tại thành phố Sơn La hơn 5.000ha; huyện Mai Sơn hơn 6.000ha và Thuận Châu hơn 5.000ha. Ngoài những cơ sở lớn, trên địa bàn các huyện còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, cá nhân.

Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn thành phố Sơn La có 16 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến hàng nông sản. Ngoài ra, còn có khoảng 40 hộ gia đình, cá nhân tự sơ chế sản phẩm từ vườn cà phê của gia đình, tất cả đều sơ chế bằng phương pháp ướt và chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Từ ngày 11-12/10, Đoàn kiểm tra công tác thực hiện phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường của UBND thành phố đã kiểm tra 8 cơ sở trên địa bàn xã Chiềng Đen và Chiềng Cọ. Đã lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động với 6 hộ thu mua cà phê tươi và thực hiện sơ chế, chế biến cà phê. Tuy nhiên, do cây cà phê đang vào vụ thu hoạch, có phát sinh các cơ sở chế biến mới quy mô hộ gia đình, cá nhân, chủ yếu tự sơ chế từ vườn cà phê của gia đình hoặc sơ chế thuê… thực hiện vào ban đêm và gần sáng nên khó khăn trong kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Niên vụ cà phê 2018-2019, UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị trong việc thực hiện chỉ đạo của tỉnh về phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê theo phương pháp ướt. Các cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp ướt đã có ý thức hơn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường có giảm so với năm 2017. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường vẫn chưa triệt để, chưa bền vững, còn xảy ra ô nhiễm nguồn nước.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp về công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải của các cơ sở chế biến cà phê

Trong thời gian tới, ông Lò Minh Hùng giao các ngành có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra xử lý với các hành vi ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến cà phê. Cương quyết không để xảy ra các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước thành phố và huyện Mai Sơn. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Yêu cầu Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu còn để xảy ra ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Đề nghị Hội cà phê Sơn La chấp hành chủ trương của tỉnh về kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Tiếp tục tuyên truyền tới hội viên chấp hành tốt chủ trương, các quyết định kiểm tra, giám sát của tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật và chủ trương của tỉnh về bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải trong chế biến cà phê.

Về hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến cà phê theo phương pháp ướt đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường, giao Sở KH&CN tiếp tục thông tin tới các đơn vị có liên quan quy trình công nghệ xử lý phù hợp. Giao Sở TN&MT phối hợp các huyện, thành phố sử dụng kinh phí xây dựng nông thôn mới của năm 2019, để xây dựng mô hình xử lý nước thải cà phê quy mô hộ gia đình.

“Tỉnh Sơn La kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà gây ô nhiễm môi trường” – ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 19/10, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra thực địa công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tại 7 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn 3 huyện, thành phố. Qua đó, phát hiện 3 cơ sở có hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường.

Nguyễn Nga

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/son-la-siet-chat-bao-ve-moi-truong-xu-ly-nuoc-thai-tai-cac-co-so-ca-phe-1260377.html