Sơn La phát triển OCOP vì lợi ích của người dân, hướng đến xuất khẩu

Đây được xem là mục tiêu chiến lược của tỉnh Sơn La trong 5 năm tiếp theo về thực hiện chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'- OCOP.

 Sản phẩm cá tép dầu sông Đà sản đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

Sản phẩm cá tép dầu sông Đà sản đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Sơn La khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Báo NNVN.

Thưa bà, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, dù là tỉnh miền núi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Sơn La đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó OCOP là một điểm nhấn nổi bật?

Sơn La đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng NTM để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ...

Theo đó sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là nông nghiệp sạch, an toàn và theo hướng hữu cơ ở những nơi có điều kiện, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân một cách bền vững.

Một trong các giải pháp then chốt là đẩy mạnh tiến độ triển khai đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên phạm vi toàn tỉnh nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền; khuyến khích và triển khai có hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Sơn La phấn đấu đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, xây dựng và quản lý OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh.

Việc chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản là chủ trương lớn của tỉnh, giúp phát huy được tiềm năng lợi thế, tạo những đột phá trong sản xuất nông sản cũng như đáp ứng sự mong đợi của nông dân. Từ đó tạo ra nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương có giá trị kinh tế cao, hình thành được các vùng nuôi trồng tập trung, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần đưa nền nông nghiệp Sơn La phát triển ngày càng bền vững, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Sơn La sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Chương trình OCOP gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, để góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo được sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của Sơn La, giúp người dân nâng cao thu nhập, có thêm cơ hội làm giàu chính đáng từ các sản phẩm đặc trưng, bản địa của địa phương mình.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới Sơn La.

Như bà nói, mục tiêu cao nhất của OCOP là phục vụ lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng “bản làng ấm no, không còn đói nghèo”, vậy làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, thưa bà?

Mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, vì vậy tỉnh Sơn La xây dựng các sản phẩm OCOP nâng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu. Tùy từng sản phẩm có cách thức phát triển quy mô diện tích khác nhau, phấn đấu đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, giá trị kinh tế lớn, mang tính đặc hữu, đặc sản.

Ngoài ra, tất cả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, như xây dựng NTM, mục tiêu giảm nghèo bền vững đều được lồng ghép, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP cũng sẽ gắn với phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.

Thời gian tới, Sơn La không chỉ tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP chủ lực, mà phải hướng tới mục tiêu lớn hơn là đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn. Chú trọng hỗ trợ, tuyên truyền vận động, khơi dậy nội lực, sức sáng tạo của người dân để phát triển sản phẩm chủ lực địa phương và người dân được hưởng lợi từ đó.

Như vậy, hướng đi để thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Sơn La là rất rõ. Từ kết quả bước đầu, Sơn La sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh, tiềm năng, kinh nghiệm, khắc phục những bất cập, hạn chế, đạt những bước tiến vững các mục tiêu của chương trình, từ đó thực hiện giảm nghèo và xây dựng NTM mới thành công.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thăm HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao tại huyện Mộc Châu (Sơn La).

Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP và khả năng vươn xa của các sản phẩm OCOP nức tiếng của Sơn La?

Thời gian qua, tỉnh miền núi Sơn La đã nỗ lực triển khai chương trình OCOP với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Điển hình là các loại sản phẩm đã có vị trí trên thị trường như: Nhãn sông Mã, cá sông Đà, na Mai Sơn, chè, sữa Mộc Châu, sơn tra Ngọc Chiến và Bắc Yên… Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành các cơ sở sản xuất rau an toàn tập trung ở Mộc Châu, Yên Châu, Thành phố Sơn La, Mường La và Phù Yên...

Theo lộ trình, trước tiên Sơn La sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi dần dần nhân rộng, tiếp đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu…

Sơn La đang có khá nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền. Toàn tỉnh hiện có khoảng gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần.

Đây là lợi thế lớn để các địa phương tiếp tục xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực phát triển kinh tế. Thực hiện chương trình OCOP chỉ cần 1/3 số xã của Sơn La xác định được sản phẩm đặc trưng, thế mạnh thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất lớn, người nông dân cũng có thêm cơ hội làm giàu chính đáng với các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương mình.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải và Trưởng ban Hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga Vũ Khắc Nguyên thăm gian hàng OCOP của Sơn La.

Sơn La là tỉnh miền núi, việc kết nối giao thương còn khó khăn, làm thế nào để sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng đối với kinh tế khu vực nông thôn và đến được với người tiêu dùng trong nước và thế giới?

Để OCOP trở thành chương trình kinh tế trọng tâm ở khu vực nông thôn cần tiếp tục tuyên truyền về chương trình dưới nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website http://ocop.sonla.gov.vn.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP...

Một giải pháp quan trọng nữa là ban hành cơ chế, chính sách mới theo hướng ưu tiên hỗ trợ để khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến, chế biến sâu; hỗ trợ cho xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ để áp dụng vào sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...

Để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu cần hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số, mã vạch, nhãn hiệu hàng hóa... đối với các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Khuyến khích các chủ thể sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, để khẳng định chất lượng sản phẩm, lan tỏa thương hiệu OCOP Sơn La trong và ngoài nước...

Xin cảm ơn bà!

Sản phẩm chè Shan đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Sơn La.

Mục tiêu phát triển OCOP của Sơn La

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay Sơn La đã có 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ; hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản Sơn La. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia...

Có thể khẳng định, việc triển khai Chương trình OCOP tỉnh Sơn La là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng Chương trình xây dựng NTM, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Sơn La theo hướng bền vững.

Trần Hồ - Hưng Giang

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/son-la-phat-trien-ocop-vi-loi-ich-cua-nguoi-dan-huong-den-xuat-khau-d272073.html