Sơn La phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Sơn La đã có bước thay đổi rõ rệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển sang trồng cây ăn quả. Sơn La đang phấn đấu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc.

 Ảnh minh họa: HM

Ảnh minh họa: HM

Nhiều kết quả nổi bật, có sự chuyển hướng rõ rệt

Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao gắn với giải quyết những vấn đề còn bức xúc như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, từ đây, Tỉnh ủy Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ Chương trình phát triển rau, cây ăn quả gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của các cơ sở chế biến hiện có và đầu tư mới các cơ sở chế biến gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu, trong giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và có sự chuyển hướng rõ rệt, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Cụ thể, so với năm 2016, diện tích gieo trồng rau của tỉnh tăng tới 84,2%, riêng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng 198,5%. Đây cũng là giai đoạn diện tích chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng cây ăn quả của địa phương đạt trên 52.191 ha.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất rau, quả cho thu nhập cao như: thanh long 225,5 triệu đồng/ha; nhãn ghép 226,5 triệu đồng/ha; mận hậu 228,2 triệu đồng/ha; xoài ghép 262,4 triệu đồng/ha; hồng giòn 293,6 triệu đồng/ha... Riêng với cà chua đã đạt con số 400 triệu đồng/năm; xà lách 500 triệu đồng/ha.

Kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2016-2020 còn phải kể đến việc toàn tỉnh đã xây dựng được 150 chuỗi rau, quả với tổng diện tích sản xuất đạt 2.553,6 ha, sản lượng 31.205 tấn/năm. 12 sản phẩm rau, quả mang địa danh của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Đi cùng với đó, toàn tỉnh có 374 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng rau, quả trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 10.000 ha. Toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ có các hoạt động sản xuất liên quan đến sản xuất giống cây ăn quả và quả tươi, chế biến các sản phẩm từ quả, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Đáng chú ý, về công nghiệp chế biến nông sản, Sơn La đã xây dựng được nhiều cơ sở chế biến cho nhiều loại quả. Riêng về nhãn, đã có 455 cơ sở sơ chế biến. Các cơ sở chế biến long nhãn tiêu thụ khoảng 60% sản lượng nhãn tươi sản của tỉnh. Riêng sản phẩm long nhãn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc.

Với các sản phẩm xoài, mận, chuối, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở chế biến. Các cơ sở có công suất từ 2 tấn đến 3 tấn quả tươi/ngày. Các cơ sở đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, đồng thời, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì và quảng bá, kết nối tiêu thụ khá tốt tại thị trường trong tỉnh và trong nước.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có một số nhà máy chế biến rau quả với công suất lớn. Tiêu biểu như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại khu công nghiệp Bó Bun huyện Mộc Châu, công suất chế biến từ 10.000 tấn rau, quả/năm, với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Nhà máy hiện mới sản xuất dịch chanh leo, tiêu thụ khoảng 10.000 tấn quả/năm. Bên cạnh đó là nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La. Nhà máy đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng quy mô công suất 1.700 tấn sản phẩm sấy khô/năm.

Hướng tới trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Tây Bắc

Những kết quả trên cho thấy bước chuyển dịch rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La theo hướng hiện đại, mang tính liên kết cao hơn và có sự đầu tư về công tác chế biến và đặc biệt đã mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân thông qua các mô hình sản xuất. Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Từ đây, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của một bộ phận người dân từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, để tiếp tục phát huy những thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sơn La sẽ tập trung khai thác, tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Riêng về cây ăn quả - thế mạnh của tỉnh, Sơn La chú trọng phát triển các loại cây được ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, hồng, lê...Đồng thời, Sơn La sẽ rà soát chuyển một phần diện tích đất trồng cây lương thực năng suất, hiệu quả thấp và diện tích đất dốc, đất trồng đồi trọc sang trồng cây ăn quả. Xác định các vùng phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Và để tạo đà thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, về công nghiệp chế biến, Sơn La xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành hàng công nghiệp chế biến rau, quả, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao, làm cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Từ đây, phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến rau, quả của vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, tỉnh sẽ hoàn thành đi vào hoạt động tối đa công suất các nhà máy chế biến rau, quả đã và đang đầu tư gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods, Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La, Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH Vân Hồ, Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn.

Đồng thời, Sơn La ưu tiên thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả tại khu vực huyện Yên Châu, Mường La, Thuận Châu với các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.

Cùng với các giải pháp trên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công, Sơn La sẽ đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất rau, quả hàng hóa, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển rau, quả gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của hàng rau, quả tỉnh Sơn La.

Về mặt thị trường, Sơn La sẽ cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau, quả. Đẩy mạnh liên kết sản xuất rau, quả theo chuỗi giá trị; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.

Để có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp để hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm; chú trọng phát triển thị trường nông sản và các kênh phân phối, đa dạng hóa thị trường.

Đặc biệt, xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ cho các ngành hàng rau, quả; chính sách hỗ trợ thúc đẩy thương mại trong nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào công tác chế biến. Đồng thời, cần tiếp tục cung cấp thông tin, hướng dẫn các địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là về rau, quả./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/son-la-phan-dau-tro-thanh-trung-tam-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-579737.html