Sơn La: Nhiều triển vọng từ chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

Thời gian qua, tỉnh miền núi Sơn La đã nỗ lực triển khai chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Nông dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chăm sóc cây cam. (Ảnh: QĐ)

Nông dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La chăm sóc cây cam. (Ảnh: QĐ)

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Trên cơ sở nhìn nhận đầy đủ những cơ hội mang lại từ chương trình này, UBND tỉnh Sơn La đã giao Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng Đề án; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổng hợp các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, xác định các sản phẩm nông sản đặc trưng, lợi thế của địa phương đưa vào Đề án chung của tỉnh. Đặc biệt, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các nội dung như mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm địa phương; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng kí các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP…

Theo đánh giá của các chuyên gia, Sơn La hiện đang có khá nhiều sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Đây là điều kiện khách quan rất thuận lợi để tỉnh triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Điển hình là các loại sản phẩm đã có vị trí trên thị trường như: Nhãn sông Mã, cá sông Đà, na Mai Sơn; chè, sữa Mộc Châu; sơn tra Ngọc Chiến và Bắc Yên… Nhằm khai thác những điều kiện này, Sơn La đã và đang triển khai các quy hoạch ngành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh, kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thủy sản; phát triển vùng nguyên liệu mía đường tập trung; vùng trồng cà phê tập trung; vùng sản xuất chè an toàn; vùng sản xuất rau an toàn; vùng sản xuất quả an toàn tập trung; phát triển bò sữa; nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tầm; phát triển vùng nguyên liệu bông vải; phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu. Kết quả, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành các cơ sở sản xuất rau an toàn tập trung ở Mộc Châu, Yên Châu, Thành phố Sơn La, Mường La và Phù Yên...

Thu hoạch chè cổ thụ ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: QĐ)

Đồng thời, để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mang lại hiệu quả bền vững, tỉnh Sơn La cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Sơn La đang có 112 doanh nghiệp, 323 hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, có 17 doanh nghiệp, 78 hợp tác xã có thu nhập bình quân trong trồng trọt từ 200 triệu đồng/ha đất sản xuất, chăn nuôi từ 200 triệu đồng/năm, nuôi thủy sản 1 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên và trên 1.109 hộ sản xuất cá thể có thu nhập từ trồng trọt 300 triệu đồng/ha đất sản xuất, chăn nuôi 300 triệu đồng/năm, nuôi thủy sản 2 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên.

Mặt khác, với chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ, Sơn La cũng có rất nhiều lợi thế khi áp dụng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Bởi qua rà soát của các địa phương, Sơn La đang có khá nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền. Toàn tỉnh hiện có khoảng gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Điều đáng nói là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của Sơn La khá phong phú về chủng loại bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ nông thôn. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 9 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, gồm: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La...

Theo đồng chí Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, đây là lợi thế lớn để các địa phương tiếp tục xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực phát triển kinh tế. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chỉ cần 1/3 số xã của Sơn La xác định được sản phẩm đặc trưng, thế mạnh thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất lớn, người nông dân cũng có thêm cơ hội làm giàu chính đáng với các loại sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Định hướng của tỉnh Sơn La là sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thế mạnh trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân. Theo lộ trình, trước tiên Sơn La sẽ chọn sản phẩm nổi bật để phát triển trước rồi dần dần nhân rộng, tiếp đó sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng, vận động các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu…

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” hứa hẹn sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La./.

Bài, ảnh: Quang Đạo

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/son-la-nhieu-trien-vong-tu-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-507906.html