Sơn La: Người dân khốn đốn bởi dự án 'treo'

Theo phản ánh, dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mẫu trang trại cà phê, tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, nằm 'bất động' nhiều năm gây lãng phí, khiến dư luận bức xúc.

Dự án “đắp chiếu”

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), dự án nằm sát Quốc lộ 6, thuộc bản Lả Hôm (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La), được UBND tỉnh Sơn La được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2012. Đây là một trong số những dự án quan trọng được triển khai trên địa bàn thành phố Sơn La, rất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hồi để phục vụ xây dựng dự án.

Tháng 10/2015, UBND tỉnh Sơn La đã bàn giao 11,6 hecta đất tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La cho Công ty cổ phần Nông Trại Xanh Sơn La theo hình thức cho thuê 50 năm. Mục đích là để doanh nghiệp này thực hiện dự án xây dựng nhà máy chế biến cà phê và mô hình mẫu trang trại cà phê với kỳ vọng sẽ được đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến cà phê quả tươi theo phương pháp mật ong; chế biến phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê bán trợ giá cho nông dân và xây dựng mô hình vườn cà phê kiểu mẫu.

Thế nhưng từ khi nhận bàn giao mặt bằng cho đến nay, dự án thực hiện rất chậm, không hiệu quả, gây lãng phí đất đai. Trong khi rất nhiều hộ dân ở địa phương đang thiếu tư liệu sản xuất.

Khu vực Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mô hình mẫu trang trại cà phê tại Sơn La của Công ty Nông Trại Xanh.

Khu vực Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mô hình mẫu trang trại cà phê tại Sơn La của Công ty Nông Trại Xanh.

Dự án bao gồm khu sản xuất chế biến cà phê; xây dựng mô hình trang trại cà phê kiểu mẫu; ươm giống; chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê cho nông dân; khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê thành phố Sơn La… Theo dự kiến, dự án sẽ chia thành 3 giai đoạn và giai đoạn 3 từ năm 2016 đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng chế biến và quảng bá sản phẩm cà phê, thế nhưng đến nay dự án vẫn đang trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”.

Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh. Cụ thể, tháng 9/2014, doanh nghiệp điều chỉnh dự án lần thứ nhất; đến tháng 12/2017, dự án tiếp tục được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ 2 và đến thời điểm này thì doanh nghiệp đang xin cấp điều chỉnh lần thứ 3.

Điều đáng nói là người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương yêu cầu doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng dự án vẫn “án binh bất động”.

Khu đất xây dựng dự án chỉ có duy nhất 1 nhà xưởng.

Lãng phí tiền của Nhà nước

Theo quan sát của PV tại khu đất Công ty Nông Trại Xanh đang sử dụng chỉ có duy nhất 1 nhà xưởng có diện tích khoảng 500m2. Nhà xưởng đang trong tình trạng “cửa đóng, then cài; một số diện tích nhà xưởng đã xuống cấp. Cách nhà xưởng chưa đầy 50m là khu nhà điều hành được xây dựng bằng gạch còn nham nhở, trang thiết bị phục vụ dự án một số đã hư hỏng nặng, một số đã xuống cấp trầm trọng. Phần còn lại khu mặt bằng triển khai dự án trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương.

Ông Quàng Văn Bun, Trưởng bản Lả Hôm (xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết: Khi được tin công ty Nông Trại Xanh vào đây bảo sẽ chế biến cà phê cho người dân xã Chiềng Cọ, bà con dân bản chúng tôi rất mong đợi và trông chờ việc công ty sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng chế biến, tiêu thụ cà phê cho người dân. Tuy nhiên, công ty thuê và sử dụng đất được 3 năm nay nhưng chưa thấy hoạt động gì cả, bà con buôn bán rất vất vả, giá cả thì chênh lệch cao.

Khu vực xây dựng dự án biến thành bãi chăn thả gia súc của người dân địa phương.

Ông Bun cho hay: “Cây trồng chủ lực của bà con nơi đây chủ yếu cà phê, mận hậu sản lượng hàng năm rất nhiều nhưng khi tiêu thụ lại rất khó khăn. Khi công ty thu hồi mất quỹ đất, khiến diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hẹp nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Bà con nhân dân mong các cấp có thẩm quyền xem xét, nếu công ty không hoạt động nữa thì nên cân đối lại đất cho người dân để sản xuất, phát triển kinh tế”.

Bà Tòng Thị Bó, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) nói rằng: Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mẫu trang trại cà phê, tại xã Chiềng Cọ nằm bất động nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Cọ cũng đã kiến nghị nhiều lần và qua hoạt động tiếp xúc cử tri thì đây là vấn đề rất là bức xúc làm lãng phí đất. Trong khi đó một số bản, một số hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất rất nghiêm trọng.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Nông Trại Xanh Sơn La. Ông Chung cho rằng: Xét thấy cà phê thì chỉ được một vụ thôi nên chúng tôi điều chỉnh từ cây cà phê sang cây ăn quả ngắn ngày để đảm bảo doanh thu cũng như đảm bảo vị trí đất mà tỉnh đã giao thực hiện dự án. Còn nhà máy sản xuất cà phê thì chúng tôi vẫn giữ lại để thu mua của bà con nhân dân theo mùa.

Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty CP Nông Trại Xanh Sơn La tại buổi trả lời phóng viên.

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La (Sơn La) về sự việc trên, ông Phương cho biết: Từ lúc giao đất cho công ty này thì không thấy hoạt động gì. Quan điểm của thành phố là đề nghị UBND tỉnh thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả hơn chứ để đấy rất “lãng phí tiền của Nhà nước”, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó nhu cầu lập dự án chương trình khác rất có nhu cầu mà chưa giao được cho người ta để triển khai.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La thông tin về việc dự án chậm tiến độ.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê và xây dựng mô hình mẫu trang trại cà phê của Công ty Cổ phần Nông Trại Xanh Sơn La được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2012 và đã 3 lần xin điều chỉnh. Dự kiến từ năm 2016 đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng chế biến và quảng bá sản phẩm cà phê, thế nhưng đến nay dự án này vẫn đang nằm đắp chiếu. Mới đây nhất thì doanh nghiệp này đã xin điều chỉnh bổ sung trồng cây ăn quả, cây mắc ca vào dự án và đã trình Sở Kế hoạch & Đầu tư xin cấp phép.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Vì Định

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/son-la-nguoi-dan-khon-don-boi-du-an-treo-43910.html