Sơn La: Khó khăn bố trí quỹ đất cho người dân tái định cư sau lũ

Sau ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, 4, nhiều khu vực trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đối diện nguy cơ sạt lở trên diện rộng, đe dọa trực tiếp tới hàng chục hộ dân.

Ngay dưới vị trí vết nứt là khu trung tâm hành chính xã Băc Phong và 21 hộ dân

Để tới được bản Đá Phổ, xã Bắc Phong, huyện Phù Yên chúng tôi phải di chuyển qua 2 chặng xe khách, tiếp đó là đi thuyền dọc sông Đà tới khu vực trung tâm xã. Tại đây, có một vị trí bị sạt lở kéo dài khoảng 300m, nằm kep giữa 2 khe tụ thủy, vị trí từ giữa bản Đá Phổ đến cổng trường mầm non Sơn Ca. Ngay dưới vị trí sạt lở là 21 hộ dân và toàn bộ khu vực hành chính của xã, gồm trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế xã, nghĩa trang liệt sỹ…

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, khu vực trượt lở có chuyển vị từ 0,5-5m, độ sụt lún từ 10-15m. Cung trượt với vết nứt kéo dài, độ dốc cao, địa chất chủ yếu là đá phong hóa đã mất khả năng kết dính khiến nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặc dù đã được chính quyền tuyên truyền và cảnh báo nhưng người dân nơi đây vẫn phải bám trụ sống dưới vết nứt do địa phương khó khăn về quỹ đất tái định cư.

Chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm và cắm cờ tại khu vực điểm sạt lở

Bà Bùi Thị Phấn, bản Đá Phổ, nghẹn ngào chia sẻ: Lúc mưa thì phải di chuyển, lúc nắng thì về ở lại. Sợ quá, mưa thì cả 21 hộ chạy hết, không dám ở, vì rất nguy hiểm. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ bà con có nơi ăn ở ổn định để yên tâm sản xuất, sinh sống.

Ông Đinh Văn Ưng, Chủ tịch UBND xã Bắc Phong cho biết: Từ ngày 19/7 tới nay, do lượng mưa quá lớn, kéo dài, toàn bộ xã Bắc Phong bị thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt là 21 hộ dân với 87 nhân khẩu; toàn bộ khu trung tâm hành chính xã như trụ sở UBND xã với 42 cán bộ; trạm y tế xã; Trường Tiểu học – THCS Bắc Phong với 31 giáo viên, 317 học sinh toàn trường; Trường mầm non Sơn Ca với 18 giáo viên, 136 cháu… đều trong diện rất nguy hiểm. Cứ trước các đợt mưa là toàn bộ hộ dân phải di tản, chú tránh ở nơi khác, không dám ở lại. Có 2 hộ đã dỡ nhà nhưng chưa biết dựng nhà ở khu vực nào. 19 hộ khác vẫn tạm thời ở lại dưới vết nứt.

Trường mầm non Sơn Ca ngay dưới vị trí có nguy cơ sạt lở

Hiện nay, chính quyền địa phương đã cắm biển báo nguy hiểm và cắm cờ tại khu vực điểm sạt lở; cắt cử cán bộ, công chức cấp xã, bản theo dõi nắm tình hình. Thông báo rộng rãi đến đội ngũ giáo viên, học sinh tại khu trường học và 21 hộ dân trú tránh khi trời mưa và ban đêm. Huy động máy xúc tạo rãnh thoát nước, hạn chế để nước ứ đọng gây yếu nền đất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp trước mắt bởi địa chất khu vực này đã hầu hết mất khả năng kết dính với nhiều vết đứt loang nổ.

“Khu vực này theo chỉ đạo của huyện phải di dời, nhưng quỹ đất ở của xã đang rất khó khăn. Chỉ có khu đồi yên ngựa diện tích khoảng 3ha, nhưng đều đã cấp cho người dân, có GCNQSDĐ. Đất này nếu như có sự vào cuộc của cấp trên, sẽ thu hồi lại bố trí cho người dân, thành lập khu dân cư ở khu vực này” – ông Ưng thông tin thêm.

Chính quyền địa phương đã huy động máy xúc tạo rãnh thoát nước, hạn chế để nước ứ đọng gây yếu nền đất.

Được biết, ngoài 21 hộ dân đang nằm trong nguy cơ sạt lở cao tại bản Đá Phổ, tại khu vực bản Bó Mý, xã Bắc Phong cũng xuất hiện đường nứt, sụt lún kéo dài khoảng 200-300m, độ lún sâu khoảng 0,5-1m, xuất hiện nhiều vết nứt độ rộng từ 0,2-0,3m, khoảng cách đường lún sụt đến các hộ dân khoảng 600-700m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ với 54 nhân khẩu sống quanh thuộc khu vực Suối Tà Ơ và Suối Ao.

Cùng với đó, 2 tháng qua, toàn bộ hệ thống đường giao thông tới trung tâm xã Bắc Phong vẫn tắc nghẽn với khối lượng đất đá rất lớn lên tới trên 60.000m3. Đường giao thông liên xã, liên bản cũng bị chia cắt, mua bán trao đổi hàng hóa bị tê liệt. Để lên tới xã Bắc Phong, người dân đa số phải di chuyển bằng thuyền. Mỗi lần thuê thuyền rất khó khăn, chi phí cao, trung bình 300.000-350.000 đồng/chuyến thuê thuyền.

Người dân nơi đây đang rất cần một giải pháp căn cơ, kịp thời để đảm bảo an toàn tình mạng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo thống kê từ UBND huyện Phù Yên, toàn huyện có 454 hộ dân bị ảnh hưởng lớn do thiên tai, 324 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp. UBND huyện dự kiến tổ chức bố trí tái định cư xen ghép tại chỗ trong bản, trong xã và bố trí các điểm tái định cư tập trung là 361 hộ. Tuy nhiên, toàn bộ các xã không có kinh phí đảm bảo cho quá trình di dời nhà ở của người dân. Thời tiết mưa nhiều, hệ thống đường sạt sụt nghiêm trọng, ảnh hưởng khá nhiều đến công tác di dời nhà cửa người dân. Việc bố trí tái định cư của các xã gặp nhiều khó khăn do không có quỹ đất.

Trước diễn biến bất thường và phức tạp của thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão và hoàn lưu của bão Mangkhut có thể gây mưa trên diện rộng những ngày tới, người dân nơi đây đang rất cần một giải pháp căn cơ, kịp thời để đảm bảo an toàn tình mạng và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/son-la-kho-khan-bo-tri-quy-dat-cho-nguoi-dan-tai-dinh-cu-sau-lu-1258680.html