Sơn La: Dân nghèo lao đao với cây nhãn từ Dự án giảm nghèo

Những hộ dân nghèo tại xã Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) thời gian vừa qua, không những chưa được hưởng lợi từ cây nhãn cấp theo Dự án giảm nghèo mà còn tốn thêm nhiều công sức, tiền của để thu về... bất lợi!

Cây chết khô, cây sống thì còi cọc

Nhiều hộ dân ở xã Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là đối tượng được hưởng lợi từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình 135 đang bức xúc bởi sự thiệt thòi đến từ dự án.

Theo đó, năm 2017, Dự án cấp cây giống hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai tại 9/9 bản của xã Chiềng Khừa, với các loại cây như: Nhãn ghép, xoài Đài Loan, bơ sáp, cam V2, bưởi diễn… theo định mức đầu tư là 2.250.000 đồng/1 hộ.

Thế nhưng trong số đó, cây nhãn ghép cấp cho người dân chất lượng kém hơn cả, lượng lớn cây bị chết, số còn lại phát triển còi cọc hoặc chết một phần.

Sau nhiều thời gian chăm sóc, cây nhãn hỗ trợ người nghèo ở vườn nhà ông Nhân, phần lớn bị chết toàn thân hoặc chết phần ngọn từ nơi ghép mắt, chỉ còn phần gốc. Ảnh Quốc Định

Qua tìm hiểu thực tế tại bản Khừa (xã Chiềng Khừa), được biết: Cả bản có 19 hộ/50 hộ nghèo được hỗ trợ cây giống, 100% số hộ này đều đăng ký nhận trồng nhãn. Sau khi biết nguyện vọng của mình được Nhà nước quan tâm đáp ứng, người dân rất vui. Thế nhưng chỉ sau một thời gian hứng khởi đầu tư, chăm sóc và hy vọng, bà con đã phải nản lòng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Danh, hộ được cấp cây nhãn giống, bức xúc: "Năm ngoái, khi có thông báo Nhà nước hỗ trợ cây giống, tôi đăng ký lấy cây nhãn và được cấp 65 cây. Khi tôi nhận cây cũng được cán bộ hướng dẫn cách trồng và tôi cũng làm đúng theo như thế: đào hố sâu, lót phân chuồng và phân NPK, rồi tưới nước liên tục để giữ ẩm nhưng không hiểu sao cây vẫn chết. Giờ trong vườn chỉ sót lại 10 cây còn sống. Vì thế, tôi đành nhổ gốc cây khô đi để trồng dong riềng, mong có chút thu nhập".

"Tôi trồng cây nhãn được khoảng 15 ngày thì lá cây chuyển màu vàng, héo dần rồi chết dần, mỗi ngày chết khoảng 2 – 3 cây, sau một tháng thì chết hết chỉ còn sót lại 10 cây. Tôi cũng báo lên xã nhưng xã trả lời cái này là do huyện cho chứ không phải xã cho, thế là thôi” - ông Danh cho biết thêm.

Cách hộ ông Danh vài chục mét là hộ gia đình ông Lò Văn Nhân. Ông Nhân may mắn hơn vì lượng cây nhãn được cấp chỉ bị chết một nửa nhưng số cây sống thì hầu hết bị chết phần ngọn (từ mắt ghép lên). Ông Nhân cho hay: "Khi nhận cây giống từ tay cán bộ trao, tôi thấy cây lá hơi héo nên tôi đưa về trồng ngay. Không hiểu sao, một tuần sau là cây bắt đầu chết dần, dù tôi cũng tưới nước giữ ẩm liên tục và cũng bón phân theo hướng dẫn.

Những cây còn lại đến hôm nay phát triển rất yếu; trong số này nhiều cây đã bị chết phần thân từ chỗ ghép mắt trở lên. Thấy cây chết, tôi cũng báo lên xã về xem nhưng xã bảo rằng, cây chết nhiều nhà cũng bị chứ không phải riêng gì nhà tôi. Vì thế nên tôi cũng đành chịu".

Những cây còn sống trong vườn của ông Danh phát triển rất chậm. Ảnh Quốc Định

Bà Lường Thị Thiết, Trưởng bản Khừa xác nhận: "Trong bản, số hộ nghèo nhận cây giống đều gặp cảnh tương tự nhau, có nhà cây bị chết nhiều, nhà bị chết ít, song số cây còn lại thì phát triển kém. Nhiều người dân đến phản ánh với ban quản lý bản về tình trạng cây giống kém chất lượng, bản cũng đã thông tin lên xã nhưng chưa thấy xã trả lời thỏa đáng cho người dân".

Cây bị chết khô chỉ sau một thời gian trồng. Ảnh Quốc Định

Cây chết do vận chuyển?

Về vấn đề này, ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa, được biết: "Chương trình cấp cây giống cho các hộ nghèo thuộc Chương trình 135, do xã làm chủ đầu tư. Đơn vị cung ứng có địa chỉ dưới tỉnh Hưng Yên. Đơn vị thẩm định hồ sơ là Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Mộc Châu.

Chương trình này thực hiện năm 2017, các loại cây được hỗ trợ gồm; Nhãn, xoài, cam, bưởi… Tình trạng cây chết, cây kém chất lượng bên Phòng Nông nghiệp huyện cũng vào kiểm tra, họ cũng kết luận tỷ lệ sống của cây khá hơn đợt trước(!)".

Ông Hương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cây bị chết và cây nhãn phát triển kém là do khâu chăm sóc và khâu vận chuyển khiến bầu của cây bị lỏng?!

Tuy nhiên, điều khó hiểu là cây giống do Nhà nước cấp cho người dân thì phát triển còi cọc, có cây bị chết, còn cây người dân tự mua về trồng chăm sóc lại phát triển rất tốt. Tương tự như trường hợp cây mận bị chết hàng loạt mà Dân Việt đã đưa tin ngày 26.5, với cây nhãn của Dự án giảm nghèo, người dân cũng kiến nghị về tình trạng cây kém chất lượng lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Quốc Định

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/son-la-dan-ngheo-lao-dao-voi-cay-nhan-tu-du-an-giam-ngheo-879678.html