Sơn La: Cảnh báo nguy cơ mất an toàn tại các vùng bị ngập úng kéo dài

Do ảnh hưởng của bão số 3, 4, gây mưa lớn, tại nhiều bản thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xuất hiện tình trạng ngập úng kéo dài trên diện rộng.

Đến nay đã gần 2 tháng kể từ khi bị ngập nhưng nước vẫn chưa rút, gây thiệt hại nặng nề về hoa màu của người dân địa phương.

* Hàng trăm ha hoa màu bị mất trắng

Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã Tân Lập, chúng tôi có mặt tại bản Tà Phình 1 và Tà Phình 2 là những nơi bị ngập úng nặng nhất tại xã Tân Lập. Đứng từ vị trí cao nhất tại đây có thể thấy toàn bộ thung lũng phía dưới nơi người dân trồng ngô, lúa đều bị ngập sâu trong nước. Theo ước tính, các khu vực bị ngập có chiều dài khoảng 8km, nơi rộng nhất lên đến 2km.

Để đến những khu vực nằm sâu bên trong thung lũng, chúng tôi lên thuyền đi tiếp. Thời gian dùng thuyền máy để đi hết một vòng thung lũng ngập nước lên tới hơn 1 giờ. Trên đường đi, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều cây cối, diện tích hoa màu đã chìm sâu dưới mặt nước. Đặc biệt, khu vực thung lũng này có nhiều trang trại chăn nuôi của người dân, vì thế hơn 30 ngôi nhà lán của bà con cũng bị ngập trong nước.

Ông Vàng A Cáu, ở bản Tà Phình 1, xã Tân Lập, cho biết lán và trang trại của gia đình ông đã bị ngập hết. Hiện nay, trâu, bò và lợn nuôi ở trang trại vẫn chưa mang về nhà được, còn số gà đã chết gần một nửa. Hơn 40 năm trước, ở đây cũng bị ngập nhưng không nặng bằng lần này. Từ đó đến nay, hàng năm nếu có mưa lớn thì vẫn ngập nhưng ảnh hưởng nhẹ, chỉ vài ngày nước rút ngay. Năm nay, nước ngập đã gây thiệt hại nặng nề bởi lúa và ngô đang bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch bị ngập nước đã hỏng hết.

Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, hiện nay các bản đã có thống kê sơ bộ về thiệt hại, ước tính diện tích ngô, lúa bị ngập lên đến hơn 500ha, đặc biệt là hai bản Tà Phình 1 và Tà Phình 2, diện tích lúa bị mất tới 90%. Sau khi nước rút sẽ kiểm đếm cụ thể, lúc đó chính quyền địa phương mới có tờ trình Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu để có phương án hỗ trợ người dân về giống, gạo cứu đói.

Bản Tà Phình 1 và Tà Phình 2 có khoảng 1.500 nhân khẩu, kinh tế người dân địa phương đều phụ thuộc vào thung lũng trồng lúa và ngô này. Vì vậy, năm nay hai bản này có khả năng xảy ra tình trạng thiếu đói, bởi hiện nay diện tích lúa mới không thu hoạch được, ông Vàng A Thào cho biết thêm.

Về nguyên nhân gây ngập úng kéo dài tại xã Tân Lập, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu Trương Hoa Bắc cho biết, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, tại huyện Mộc Châu có mưa to gây ngập úng. Sau đó, nước rút chậm vì ở các hang đá vôi ngầm, nơi thoát nước tự nhiên cho thung lũng do lâu ngày đã bị đất, bùn trôi vào, dẫn đến tình trạng bị tắc, làm mất các vị trí thoát nước tự nhiên. Sau khi nước rút, huyện sẽ xem xét, đánh giá những vị trí thoát nước tự nhiên để tiếp tục nạo vét, mở rộng và xác định dòng chảy tự nhiên lên phương án thoát nước lâu dài.

Sau khi nước rút, huyện sẽ hỗ trợ người dân trồng cây vụ đông, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý đất đai, lựa chọn giống cây ngắn ngày để có thể thu hoạch trong năm. Đối với diện tích hoa màu bị ngập úng, huyện thực hiện hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Nếu những hộ dân ở khu vực ngập bị thiếu đói sẽ có thống kê, đánh giá và hỗ trợ, đồng thời huy động các tổ chức xã hội để hỗ trợ nhân dân.

* Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Sau khi tại các bản thuộc xã Tân Lập xuất hiện tình trạng ngập nước trên diện rộng và kéo dài, nhiều người dân ở huyện Mộc Châu đã kéo về đây để ngắm cảnh bởi tại đây đã hình thành một vùng lòng hồ rộng lớn xen lẫn những ngọn núi tạo nên khung cảnh lạ lẫm.

Anh Trần Quốc Huy ở huyện Mộc Châu chia sẻ, sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều điểm du lịch ở Mộc Châu bị ảnh hưởng, còn tại các bản bị ngập nước đã tạo thành điểm đến rất hấp dẫn.

Để có thể “tham quan” khu vực thung lũng ngập nước này, người dân phải thuê thuyền máy với chi phí 40.000 đồng/người/lượt. Nhiều người cũng đã mua thuyền từ nơi khác về phục vụ việc kinh doanh. Tuy nhiên, những chiếc thuyền này hầu như không được kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, tại đây cũng xuất hiện những chiếc thuyền nhỏ nhưng lại chở nhiều người cùng một lúc, dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt, do khu vực lòng hồ ngập nước này mới xuất hiện, không phải là tuyến đường thủy cố định nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi lưu thông trên mặt hồ. Cùng với đó, do đây vốn là thung lũng và có nhiều loại cây lớn, khi nước ngập không thể nhìn thấy, nếu chủ quan, khi thuyền đi qua sẽ dẫn đến nguy cơ bị lật hoặc thủng thuyền…

Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết, do vừa qua xuất hiện một vùng nước ngập từ trước đến nay chưa có, nên người dân đã hiếu kỳ đến xã Tân Lập. Tại đây, đã xuất hiện việc tổ chức tham quan trên mặt hồ cũng như vận chuyển hàng hóa bằng thuyền.

Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo xã và cơ quan chuyên môn cắm các biển cảnh báo nguy hiểm trên mặt hồ. Việc người dân sử dụng thuyền để vận chuyển hàng hóa phải có các phương tiện đảm bảo chất lượng và bố trí áo phao trên thuyền. Ngoài ra, huyện sẽ giao lực lượng công an, giao thông kiểm tra các tàu, thuyền, nếu không đảm bảo sẽ không cho hoạt động trên mặt hồ.

TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/son-la-canh-bao-nguy-co-mat-an-toan-tai-cac-vung-bi-ngap-ung-keo-dai-549419