Sơn La cần đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất

Ngày 24/6, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng Đoàn công tác Trung ương đã đến dự hội nghị.

Qua 15 năm triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, bằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La đã có sự chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra của địa phương đều đạt và vượt một số chỉ tiêu. Nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 13,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp; tỷ lệ số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 91,2%; bình quân tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm từ 2,5 - 3,5%/năm (chỉ tiêu kế hoạch tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm).

Cùng với đó, Sơn La có nền nông nghiệp phát triển khá; đã hình thành một số vùng cây ăn quả chuyên canh, cây công nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến; một số sản phẩm đã có thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường...

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị ở Sơn La còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, đáng lưu ý kinh tế tăng trưởng khá nhưng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng chưa bền vững, sức cạnh tranh chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp ở Sơn La chưa bền vững, dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ của Sơn La cũng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ, quy mô phát triển và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn thấp. Về chất lượng giáo dục các bậc học của địa phương có mặt còn hạn chế, công tác xóa mù chữ chưa bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, nhất là hệ thống giao thông...

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra các mặt hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ đó, thống nhất những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chủ yếu để Sơn La thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị trong những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu Sơn La đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cả nước nói chung và Sơn La nói riêng có nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí nhấn mạnh, kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La có bước phát triển mạnh, trở thành điểm nhấn quan trọng của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá. Sơn La đã xác định đúng, phát huy được các tiềm năng, lợi thế, trong đó nông nghiệp là vấn đề trọng tâm phát triển.

Về hướng đi trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, điểm mấu chốt đặc biệt thành công sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 chính là cách thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực này. Đây chính là hướng đi giúp cho Trung ương, Đảng bộ và chính quyền các cấp cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tìm được giải pháp phát triển để thoát nghèo bền vững.

Từ thực tiễn điều kiện của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị nông nghiệp vẫn là hướng đi chính của Sơn La trong thời gian tới. Do đó, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân. Trong đó, bên cạnh hai trụ cột hộ nông dân và hợp tác xã, tỉnh cần làm tốt hơn nữa việc kết nối, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư; cần thu hút được các doanh nghiệp lớn có năng lực để quảng bá, tạo thị trường và đầu ra sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các trung tâm chế biến, bao tiêu sản phẩm để kết nối sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và sự bền vững cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đồng chí cũng đề nghị Sơn La phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; phát triển du lịch phù hợp với đặc thù và thế mạnh của địa phương như du lịch trải nghiệm, du lịch nguồn….; dịch vụ cần được phát triển theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cần làm tốt việc phát triển hệ thống giao thông đến các huyện, xã, thôn, bản và khẳng định với đặc thù của vùng, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nguồn vốn chủ yếu sẽ từ ngân sách, chỗ nào có điều kiện hợp tác công tư thì triển khai để tư nhân gánh vác một phần.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến đến các huyện, thị trấn trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả và thể hiện sự quan tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị của tỉnh đối với công tác tổng kết Nghị quyết quan trọng này. Đồng chí nhấn mạnh, việc tổ chức tổng kết của Sơn La và các địa phương trong vùng sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để Sơn La, các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, đồng chí Nguyễn Văn Bình và Đoàn công tác đã dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và Nhà tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ nhà tù Sơn La, thành phố Sơn La.

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/son-la-can-day-manh-xay-dung-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-20190624171408094.htm