Son Heung-min vô địch Champions League để vượt Park Ji-sung

Giữa Son Heung-min và Park Ji-sung, ai mới là cầu thủ vĩ đại nhất châu Á? Câu trả lời sẽ có sau đêm chung kết UEFA Champions League giữa Liverpool và Tottenham.

Khi trận đấu cuối cùng của Premier League mùa giải 2018/19 kết thúc, các cầu thủ Tottenham Hotspurs đưa người nhà xuống sân để chụp ảnh và giao lưu với người hâm mộ. Một trong những đoạn clip được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội là cảnh Son Heung-min vui cười, chơi cùng con của các đồng đội. Cầu thủ người Hàn Quốc nở nụ cười tinh nghịch và pha trò với con của Erik Lamela, Christian Eriksen và Eric Dier.

Nhiều người hâm mộ tỏ ra thích thú với sự thân thiện dễ mến của Son, trong khi một số khác lại tỏ ra tiếc cho cầu thủ số 7, bởi anh không có vợ con trên sân như những cầu thủ khác. Song với Son, việc lập gia đình chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu lúc này. Với anh, bóng đá sẽ luôn là số một cho tới khi giải nghệ.

Trong bài phỏng vấn với tờ The Guardian, Son Heung-min từng khẳng định: “Tôi muốn đảm bảo khi còn chơi bóng đỉnh cao, bóng đá sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu. Còn khi lập gia đình, thứ tự ưu tiên sẽ là gia đình, vợ con rồi mới tới bóng đá”. Đó có thể là suy nghĩ khác với nhiều huấn luyện viên, bởi thông thường các cầu thủ ham tiệc tùng hay theo đuổi những chân dài sẽ có trách nhiệm hơn khi lập gia đình. Tuy nhiên, kỷ luật vốn chưa bao giờ là vấn đề với Son, khi anh được người cha Son Woong-jung rèn giũa theo kiểu nhà binh từ bé.

Phóng viên tờ The Guardian từng "mắt tròn mắt dẹt" khi nghe Son kể câu chuyện về việc 2 anh em bị cha bắt tâng bóng trong suốt 4 tiếng. Đó là khi Son mới lên 10 tuổi, nhưng được đưa vào chương trình huấn luyện khắc nghiệt để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cha anh vốn là cầu thủ, song chấn thương khiến sự nghiệp của ông bị ảnh hưởng vào năm 1990. Theo trang BBC, ông Woong-jung tìm mọi cách để biến 2 cậu con trai thành những cầu thủ hàng đầu và viết tiếp giấc mơ còn dang dở của bản thân.

Son cùng người anh trai được tập luyện từng kỹ năng cơ bản nhất như đỡ bóng, tâng bóng. Chỉ khi thuần thục một kỹ năng, hai anh em mới tập tiếp kỹ năng khác. Họ cũng bị cha yêu cầu hạn chế tập sút và chuyền, cũng như không tham gia những trận đấu tập cho tới khi lên 14 tuổi. Theo ông Woong-jung, việc tham gia những trận này từ sớm có khả năng khiến cơ bắp hoạt động quá tải, đồng thời ảnh hưởng tới tâm lý.

Khi không đi học hay tập luyện, anh em nhà Son được gửi tới New Zealand trong mùa hè để rèn luyện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Mới đây, khi được phóng viên Park Min-hye hỏi về phương pháp giáo dục khắt khe này, ông Woong-jung chia sẻ: “Tôi dùng đòn roi với các con rất nhiều, bởi đôi lúc đó là điều cần thiết. Tôi biết người châu Âu sẽ không hiểu được, nhưng từ góc độ của người Hàn Quốc, thì có lẽ mọi thứ sẽ dễ hiểu hơn”.

Son chưa bao giờ công khai trách cứ người cha, trái lại anh luôn khẳng định mình sẽ không có được ngày nay nếu thiếu đi sự nghiêm khắc thời thơ ấu. Không chỉ đào tạo cho anh những kỹ năng cơ bản, ông Woong-jung còn dạy con trai sự khiêm tốn, biết tôn trọng người khác cũng như cách dừng trận đấu nếu đối thủ gặp vấn đề.

Son tâm sự trên tờ The Guardian: “Cha luôn nghĩ cho lợi ích và làm mọi thứ vì tôi. Khi là cầu thủ, bạn sẽ cần sự giúp đỡ. Việc gặp được đúng huấn luyện viên giỏi và may mắn cũng quan trọng. Thật tuyệt khi mọi thứ đều đến với tôi”.

Khi Son rời Hàn Quốc tới Đức năm 16 tuổi cùng hai cầu thủ trẻ khác theo chương trình liên kết giữa Hamburger SV và Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc, anh đã xác định trước mọi khó khăn mình phải đối mặt.

Huấn luyện viên đội trẻ của Hamburger SV khi ấy là Markus von Ahlen hồi tưởng trên BBC: “Cậu ấy rất nhanh, ghi nhiều bàn, luôn cởi mở với đội bóng và khát khao học hỏi. Cha cậu ấy cũng có mặt tại sân tập và cứ khi nào Son rảnh chân, hai cha con sẽ cùng nhau tập thêm để Son hoàn thiện những kỹ năng nhỏ nhất. Son tập luyện hàng ngày”.

“Được làm việc với Son là niềm vui. Mỗi sáng tôi đều gặp cậu ấy trên sân tập với gương mặt rạng ngời lạc quan. Ngay từ khi đó, cậu ấy đã không nói mình hài lòng với việc ở lại Hamburg, mà luôn khẳng định giấc mơ là chơi bóng tại Premier League. Đó là điều đặc biệt về Son. Giấc mơ của cậu ấy đã trở thành hiện thực, và đó là kết quả của nhiều thứ: tài năng, chăm chỉ tập luyện, được hỗ trợ cho tới cả may mắn khi không gặp nhiều chấn thương. Tuy nhiên, Son luôn có tầm nhìn xa, biết rõ mình cần làm những gì và giờ đã đạt được điều cậu ấy muốn”.

Cả hai vụ chuyển nhượng của Son đều là những kỷ lục. Năm 2013, Bayer Leverkusen bỏ ra khoản tiền chuyển nhượng kỷ lục trong lịch sử đội bóng tính tới lúc đó là 10 triệu euro để chiêu mộ Son sau 3 mùa giải tại Hamburger SV. Sau 2 mùa giải thăng hoa, Son chuyển tới Tottenham với mức giá 30 triệu euro - kỷ lục chuyển nhượng với một cầu thủ châu Á.

Sau mùa giải đầu tiên gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường tại Anh và chỉ ghi 8 bàn, Son Heung-min chính thức bùng nổ từ mùa giải 2016/17. Huấn luyện viên Mauricio Pochettino chắc hẳn phải rất hài lòng khi thuyết phục được Son ở lại sau nửa mùa giải đầu tiên, khi anh tới tìm ông để bàn việc trở lại Đức.

Trong 3 mùa giải gần nhất khoác áo Spurs, Son ghi 59 bàn (hiệu suất 0,4 bàn mỗi trận). Đây là hiệu suất vượt qua ngôi sao Eden Hazard (53 - 0,36) và sánh ngang với Raheem Sterling (59 - 0,4). Rất hiếm khi người ta được thấy cầu thủ châu Á có những thống kê cá nhân ấn tượng đến vậy tại giải đấu hàng đầu thế giới.

Không chỉ gây ấn tượng về số lượng, chất lượng những bàn thắng của Son cũng đáng ngợi ca. Trong mùa giải 2018/19, anh nhiều lần trở thành vị cứu tinh của Spurs khi chân sút chủ lực Harry Kane vắng mặt vì chấn thương. Tại đấu trường Champions League, Son thậm chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỳ tích lần đầu vào chung kết của đội bóng thành London. Trong 4 bàn thắng mà anh ghi được, 3 bàn trong hai lượt trận tứ kết đầy kịch tính với Man City giúp Spurs lách qua khe cửa hẹp.

Năm 2015, Bayer Leverkusen có chuyến tập huấn trước mùa giải tại Hàn Quốc, và cầu thủ Robbie Kruse đã bị sốc trước cách người hâm mộ chào đón Son Heung-min. Anh chia sẻ trên tờ The Herald Sun: “Khi chúng tôi tới trung tâm mua sắm, 30.000 người chờ sẵn ở đó để được gặp Son. Đó là trải nghiệm tôi chưa từng thấy ở Australia, và cả đội đều ngỡ ngàng. Son chẳng khác gì siêu sao nhạc rock tại Hàn Quốc”.

Đó là câu chuyện của 4 năm về trước khi Son thậm chí chưa thành công như ngày nay. Giờ đây, anh là cầu thủ đầu tiên ghi bàn trên sân vận động mới trị giá một tỷ bảng Anh của Tottenham Hotspurs tại đấu trường Premier League và Champions League. Anh chơi ở giải đấu nổi tiếng bậc nhất hành tinh và ghi dấu ấn đậm nét tại đấu trường số một cấp câu lạc bộ. Do đó, không hề khó hiểu khi mỗi trận sân nhà của Tottenham thu hút hàng nghìn cổ động viên Hàn Quốc, nhiều người trong số đó thậm chí bay từ xứ Kim chi sang chỉ để xem một trận bóng.

Theo cây viết người Anh Steve Price thường trú tại Seoul, bạn không thể nào xem truyền hình hay đi ra nơi công cộng mà không bắt gặp hình ảnh của Son Heung-min. “Mọi quảng cáo giữa giờ từ kem, mỹ phẩm, nước tăng lực, mỳ đều có bóng dáng Son. Nếu bạn tới ga tàu điện ngầm, có lẽ 1/4 số quảng cáo có gắn với hình ảnh cậu ấy”.

Tất cả trận đấu của Tottenham Hotspurs đều được truyền hình Hàn Quốc tường thuật trực tiếp, trong khi kênh SpotTV2 thậm chí lưu giữ những pha bóng ấn tượng nhất của Son để chiếu trong thời gian trống giữa các chương trình. Trên trang Naver, lượng tìm kiếm thông tin về Son và Tottenham Hotspurs lấn át hoàn toàn thông tin về những gã khổng lồ của bóng đá thế giới như Real Madrid hay Barcelona.

Ngay cả vấn đề nhạy cảm như việc đi nghĩa vụ quân sự cũng khiến người hâm mộ Hàn Quốc cảm thấy bị chia rẽ. Theo lẽ thường, nam giới tại Hàn Quốc bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi bước sang tuổi 28 và ngay cả những ngôi sao thần tượng cũng không phải ngoại lệ. Khi Son giúp bóng đá Hàn Quốc giành chức vô địch ASIAD 2018 và nhờ đó “thoát” nghĩa vụ quân sự, nhiều người đã thể hiện rõ sự vui mừng.

Nữ phóng viên Park Min-hye chia sẻ trên tờ BBC: “Người dân Hàn Quốc chúng tôi bị ám ảnh với thái độ và trong quá khứ nhiều vận động viên không thể hiện sự tôn kính đối với lá cờ tổ quốc. Tuy nhiên, Son thực sự thể hiện được tố chất thủ lĩnh và sự hy sinh cho đội tuyển quốc gia. Cậu ấy và cha được ngợi khen nhiều sau ASIAD bởi thái độ khiêm nhường khi được hỏi về việc miễn đi nghĩa vụ quân sự, và cách họ trân trọng sự ủng hộ của cổ động viên Hàn Quốc”.

Trong 12 tháng trở lại đây, Son Heung-min đã 3 lần thực hiện nghĩa vụ với bóng đá nước nhà. Sau kỳ World Cup 2018 mà Hàn Quốc không thể vượt qua vòng bảng, Son tiếp tục tham gia các giải đấu ASIAD (tháng 8/2018) và AFC Asian Cup (tháng 1/2019). Sau thời gian di chuyển giữa nhiều quốc gia và đá với cường độ khủng khiếp như vậy, Son vẫn biết cách tỏa sáng trong giai đoạn khốc liệt nhất của mùa giải, khi đội hình Tottenham Hotspurs bị chấn thương hành hạ.

Theo trang Yonhap, một cuộc khảo sát được thực hiện tại Hàn Quốc tháng 4/2019 cho kết quả Son đã vượt qua huyền thoại bóng đá Cha Bum-kun của thế kỷ 20. Với nhiều người, cầu thủ Hàn Quốc vĩ đại nhất vẫn là Park Ji-sung.

Khi còn chơi bóng, cựu cầu thủ của Manchester United từng cùng Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup 2002, đồng thời giành 4 chức vô địch Premier League cùng "Quỷ đỏ". Anh được mệnh danh là “Park ba phổi” nhờ sức hoạt động không biết mệt mỏi trên khắp sân và thực sự đóng góp về chuyên môn cho đội bóng chứ không chỉ đơn thuần giúp Manchester United thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Theo trang SCMP, Son Heung-min xứng đáng là ứng cử viên cho danh hiệu “Cầu thủ châu Á hay nhất lịch sử”. Trang tin này nhận định: “Son chưa có thành tích ở cấp CLB như Park hay 2 cầu thủ người Nhật Bản Shinji Kagawa và Hidetoshi Nakata. Tuy nhiên, anh sở hữu mọi điểm xuất sắc của những cái tên trên: Sự bền bỉ và biết chớp cơ hội khi cần thiết của Park và Nakata hay những đường chuyền xé toang mọi hàng phòng ngự của Kagawa. Và bản thân Son còn nhiều phẩm chất đặc biệt khác nữa”.

Anh sở hữu thể hình lý tưởng, tốc độ, khả năng xử lý và dứt điểm, cộng thêm nguồn thể lực dồi dào. Đó là lý do trang Bleacher Report đánh giá Son là “một cầu thủ hình mẫu của thế kỷ 21, hiệu quả tới mức tưởng như anh ta được chế tạo bằng máy”.

Park có thể giành nhiều danh hiệu hơn Son, nhưng anh cũng được may mắn chơi cho Manchester United hay nhất lịch sử. Park được huấn luyện bởi Sir Alex Ferguson huyền thoại và chơi bóng cùng Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Paul Scholes, Rio Ferdinand hay Nemanja Vidic. Về thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Son Heung-min và những hậu bối khó có thể lọt vào bán kết với sự ưu ái rõ rệt dành cho nước chủ nhà như cách đội tuyển Hàn Quốc năm 2002 từng có.

Về mặt thành tích cá nhân, Son hoàn toàn có thể tự hào. Anh đang nắm giữ kỷ lục chuyển nhượng và dẫn đầu về số bàn thắng ghi được tại Champions League lẫn Premier League bởi một cầu thủ châu Á.

Son cũng là người châu Á đầu tiên giành giải “Cầu thủ hay nhất tháng” của ban tổ chức Premier League - điều mà những ngôi sao châu Á trước đây như Park Ji-sung, Shinji Kagawa hay Lee Young-pyo chưa từng làm được. Tầm quan trọng của Son với Spurs là vô cùng lớn khi anh được xem như trụ cột.

Trước mắt Son Heung-min đang là cơ hội để thay đổi lịch sử, khi Tottenham có trận chung kết Champions League với Liverpool lúc 2h ngày 2/6. Đó là trận đấu mà hàng triệu người Hàn Quốc sẽ thức đêm để dõi theo cầu thủ số 7. Nếu Tottenham giành chiến thắng và Son góp công lớn, có lẽ sẽ không còn ai tranh cãi về danh xưng “Cầu thủ châu Á hay nhất lịch sử”.

Thịnh Joey
Đồ họa: Nhân Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/son-heung-min-vo-dich-champions-league-de-vuot-park-ji-sung-post949276.html