Sớm xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, mương thủy lợi tại Phú Yên

Nhiều năm qua, không ít tuyến kênh dẫn nước từ các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Phú Yên phục vụ tưới tiêu bị người dân lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy, gây khó khăn trong nạo vét, duy tu sửa chữa hoặc cứu hộ đê điều. Điều đáng nói là tình trạng này được chính quyền các địa phương xử lý rất chậm.

Nhiều nhà dân ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa xâm lấn kênh thủy nông Đồng Cam.

Thực trạng lấn chiếm kênh, mương dẫn nước thủy lợi đang diễn ra phức tạp ở tỉnh Phú Yên. Ngay trong vụ lúa đông xuân 2017-2018, khi nhiều cánh đồng đang ở giai đoạn thu hoạch tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện cho dù đây là thời điểm đơn vị vận hành khai thác các công trình thủy lợi phải đóng nước để phục vụ việc nạo vét, sửa chữa kênh mương, bảo đảm cấp nước chống hạn trong vụ hè thu tới. Thậm chí, tại rất nhiều vị trí, điển hình như kênh N2, thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, hành lang an toàn kênh và toàn bộ mặt kênh đều bị người dân lấn chiếm, xây dựng kiên cố làm điểm buôn bán và nhà ở.

Ông Trần Văn Lý, người dân xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa phân trần: “Biết xâm lấn kênh, mương là sai, nhưng người dân cứ làm. Người này làm được thì người kia cũng làm được. Khi nào chính quyền yêu cầu thì tháo dỡ”.

Tương tự, kênh Tân Mỹ đi qua địa bàn xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa bị 22 hộ dân lấn chiếm đất hành lang an toàn kênh. Sau nhiều lần các cơ quan chức năng tích cực vận động, đã có 12 hộ tháo dỡ tường rào, trả lại nguyên trạng. Tuy vậy, vẫn còn 10 hộ không chấp hành.

Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ địa chính - xây dựng xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa cho biết: “Trong số 10 hộ chưa chịu tháo dỡ đất công trình hộ lấn chiếm, trong đó có hai hộ là cán bộ đảng viên đã chấp hành tháo dỡ, một số hộ đã tháo dỡ được 50%. Địa phương vẫn đang tiếp tục vận động những hộ còn lại trả lại mặt bằng kênh mương”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam Nguyễn Minh Huệ cho biết: Công ty được giao quản lý 74 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 400 km phục vụ tưới tiêu cho hơn 37 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, hầu như tuyến kênh nào cũng bị lấn chiếm và xả thải rác thải. Từ kênh chính đến kênh cấp 1, cấp 2 đều bị bồi lấp, cản trở dòng chảy lòng kênh nghiêm trọng. Công ty đã lập tới 754 biên bản vi phạm. Vấn đề ở đây là công ty lại không có thẩm quyền xử phạt, cho nên chỉ lập biên bản rồi báo cáo chính quyền các địa phương phối hợp xử lý. Thế nhưng, các địa phương lại chưa thật sự quyết liệt, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc xử lý. Theo quy định xử phạt hành chính trong phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, thì mức thấp nhất là từ 30 đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, để áp dụng trên thực tế tại các địa phương vùng nông thôn là rất khó. Vì vậy, chỉ vận động, tuyên truyền là chưa đủ, khiến cho tình trạng này kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp.

Đối với Phú Yên, hệ thống thủy nông Đồng Cam được xem là “mạch sống” bảo đảm an ninh lương thực bền vững. Do vậy, các cấp chính quyền cần có giải pháp hữu hiệu, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi nhằm xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm quy định trong công tác bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả công trình.

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/36343002-som-xu-ly-tinh-trang-lan-chiem-kenh-muong-thuy-loi-tai-phu-yen.html