Sớm xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính ngân hàng

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, không thể bỏ qua hiện nay. Nếu muốn có những lợi thế, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính bắt buộc phải đầu tư nghiêm túc cho công nghệ.

Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính ngân hàng ngày 9/12. (Nguồn: Báo Tiền Phong)

Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính ngân hàng ngày 9/12. (Nguồn: Báo Tiền Phong)

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng đồng tình tại Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính ngân hàng ngày 9/12 tại Hà Nội.

Theo số liệu của Đại học Fulbright, hiện Việt Nam đã có 166 công ty công nghệ tài chính (Fintech). Theo các chuyên gia, hiện các công ty Fintech ở Việt Nam đang hoạt động trong các phân khúc chính là thanh toán điện tử, ngân hàng số, cho vay ngang hàng (P2P Lending), blockchain, gọi vốn cộng đồng, đánh giá điểm tín dụng…

Khảo sát mới đây của Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) cũng cho thấy, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, từ 74 công ty năm 2017 lên gần 140 công ty vào cuối năm 2019.

Theo TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) phát biểu, sự xuất hiện của các công ty Fintech đã mang lại nhiều sự thay đổi. Trước hết là mang đến thay đổi lớn về hành vi người tiêu dùng tài chính khi khách hàng được hưởng nhiều tiện ích hơn từ dịch vụ tài chính, kể cả tư vấn, ít trung thành với bên cung ứng dịch vụ tài chính vì có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, khách hàng sẽ đối mặt với rủi ro mới như: Lộ lọt thông tin cá nhân; bị hack tài khoản, mất tiền; khiếu nại, giải quyết có thể phức tạp hơn.

Fintech cũng mang lại cơ hội hợp tác kinh doanh với các ngân hàng thương mại, thúc đẩy phát triển đa kênh và sản phẩm và dịch vụ tài chính cung ứng cho khách hàng. Nhưng đồng thời cũng mang lại thách thức về tư duy chính sách. “Sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới, kênh cung ứng mới (sáng tạo) đòi hỏi khung pháp lý mới và rất nhiều vấn đề pháp lý phải thay đổi”, TS. Phạm Xuân Hòe dẫn chứng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển Fintech với thị trường nội địa lớn và còn nhiều dư địa phát triển. Có thể nói Fintech chứa đựng nhiều yếu tố đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bao gồm từ cho vay, bảo hiểm, tư vấn, so sánh lãi suất...

Ông Lực cũng chỉ ra một số vấn đề đang đặt ra cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam là những rủi ro, thách thức về cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; quy định về hoạt động về công nghệ tài chính chưa được ban hành; chưa có cơ sở dữ liệu về định danh cá nhân quốc gia, rủi ro an ninh mạng ở mức cao…

Còn chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để xây dựng một thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hàng, đầu tiên là ngành ngân hàng phải tận dụng công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để giao dịch và kết nối với khách hàng.

Ông Hiếu cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào và tác động đến các hoạt động kinh tế, làm tăng nhu cầu vay mượn của các thành phần kinh tế, một khung pháp lý về hoạt động cho vay ngang hàng và những quy định về vai trò của các Fintech trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là rất cần thiết.

“Một ngày qua đi mà chưa có một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và đầy đủ cho những hoạt động cho vay ngang hàng là một ngày có thêm nhiều thiệt hại cho các thành phần kinh tế”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Dành lời khuyên cho các doanh nghiệp Fintech, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ nếu muốn có lợi thế để phát triển trong tương lai và Fintech là trọng tâm cần được đưa vào chiến lược phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

“Làm được điều đó mới giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn”, ông Võ Trí Thành nhận định.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/som-xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-cho-cong-nghe-tai-chinh-ngan-hang-131164.html