Sớm tuyên bố chính thức về thuế tối thiểu toàn cầu

Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp FDI lúc này là Việt Nam sớm tuyên bố chính thức về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cam kết hỗ trợ, bù đắp để doanh nghiệp yên tâm và tính toán kế hoạch kinh doanh.

“Chúng tôi nghe nói… nhưng không biết có đúng không”

Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn mới.

Ở Việt Nam, trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu Nguồn: ITN

Ở Việt Nam, trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu Nguồn: ITN

Trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam, trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10 năm nay.

Đây là kế hoạch rõ ràng nhất của Chính phủ về thuế tối toàn cầu cho đến lúc này. Như vậy, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ tham gia cuộc chơi dù các nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình cải cách chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (IF) không bị bắt buộc phải áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp FDI cần không phải là một khả năng, mà là một tuyên bố chính thức rằng Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư.

“Chúng tôi nghe nói Việt Nam sẽ áp dụng nhưng không biết có đúng vậy không”, ông Son Won Sik, thành viên Ban Điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nói trong Hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu do Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức cuối tháng 4 vừa qua. Ông cũng cho biết thêm, “gần đây, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi bàn về kế hoạch đầu tư đã đặt câu hỏi: nếu không phải Việt Nam thì là nước nào”.

Băn khoăn đó không phải chỉ của doanh nghiệp Hàn Quốc mà của cả cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Việt Nam; họ cần biết cam kết của Việt Nam để tính toán kế hoạch đầu tư, kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Hồi đầu năm nay, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đã cảnh báo rằng, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tác động “ngay và luôn” đến thu hút FDI chứ không phải chờ đến ngày áp dụng. Bởi vì, các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách này để quyết định đầu tư năm nay và những năm tiếp theo. Vì nhiều lý do, vốn FDI đăng ký và vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm giảm lần lượt là 17,9% và 1,2% so với cùng kỳ, song đây cũng có thể là một chỉ dấu cho điều ông Hiếu cảnh báo.

Trong khi Việt Nam chưa có tuyên bố chính thức thì theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, phần lớn các nước đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%); trong đó có các nước, vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Trong khối ASEAN, Indonesia và Malaysia sẽ áp dụng từ năm 2024. Thái Lan đến năm 2025 mới áp dụng nhưng tháng 2 vừa qua, Nội các nước này đã phê duyệt các biện pháp hỗ trợ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam càng chậm chân, sức ép cạnh tranh sẽ càng lớn!

Việt Nam nên áp dụng thuế đạt chuẩn và tăng cường hỗ trợ chi phí

Trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội gửi tới Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ “khẩn trương đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu”. Còn tại Chỉ thị số 14/CT-TTg nêu trên, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư cũ và mới.

Trong chuỗi các sự kiện gần đây về thuế tối thiếu toàn cầu, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất rằng Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để giành quyền đánh thuế và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI chịu tác động để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả trong thu hút FDI.

Về cách đánh thuế, các chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các công ty kiểm toán cũng như các hãng luật... đều khuyến nghị Việt Nam áp dụng “thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn” (viết tắt là QDMTT) theo quy tắc mẫu GloBE thay vì áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung chung (15%). Lý do, QDMTT là cơ chế đạt chuẩn theo quy định của OECD. Các cơ chế khác (ví dụ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 15%) sẽ không thống nhất theo công thức tính của OECD, dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của toàn tập đoàn sẽ bị tăng lên. Việc này vừa gây thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư, vừa gây khó khăn trong việc áp dụng và không thể hiện được sự hội nhập chính sách thuế của Việt Nam với quốc tế.

Về các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp FDI chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tăng cường các chính sách dựa trên cơ sở chi phí. “Chính sách được đề xuất hàng đầu là thông qua trợ cấp trực tiếp hoặc cho cấn trừ chi phí vào thuế phải nộp và được hoàn theo chuẩn của OECD đối với một số loại chi phí như chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển, nhân lực...”, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam gợi ý. Một số quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã nội luật hóa các chính sách ưu đãi theo chi phí đầu tư và theo ông Tuấn, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo.

TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của BIDV cũng cho rằng, với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có thể có hỗ trợ tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân... Với những nhà đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đối tượng ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng”. Điều ông Robert King, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, lưu ý cũng là điều Việt Nam phải cân nhắc khi ra các quyết định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/som-tuyen-bo-chinh-thuc-ve-thue-toi-thieu-toan-cau-i330603/