Sớm thực thi Luật Xây dựng (sửa đổi) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19

Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 17-6, nhiều điều khoản trong Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 8 tới đây, thay vì đến tháng 1-2021. Điều này nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

(Ảnh: VĂN ĐIỆP - TTXVN)

(Ảnh: VĂN ĐIỆP - TTXVN)

NDĐT - Sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 17-6, nhiều điều khoản trong Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 8 tới đây, thay vì đến tháng 1-2021. Điều này nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Chiều 17-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng với tỷ lệ đại biểu tán thành đạt tỷ lệ 92,96%.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này không mở rộng phạm vi mà về cơ bản chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc ba nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực rà soát các luật liên quan như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… và các dự án Luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Ngoài ra, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...

Biểu quyết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề nghị bổ sung nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy; nguyên tắc bảo đảm thực hiện đồng bộ pháp luật về xây dựng và các luật khác có liên quan vào nội dung Điều 4 vào dự thảo. Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Phòng, chống cháy, nổ là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng đã được quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Xây dựng hiện hành. Ngoài ra, nguyên tắc xây dựng, ban hành và áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy cần giữ quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng như dự thảo Luật.

Theo dự thảo, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, dự thảo Luật đã quy định nội dung thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt (thể hiện tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-8-2020. Thời điểm này bảo đảm không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua Luật, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

LÊ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44887802-som-thuc-thi-luat-xay-dung-sua-doi-de-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-sau-dich-covid-19.html