Sớm quét sạch cuộc gọi rác, tin nhắn rác

Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-10-2020) về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác được kỳ vọng sẽ quét sạch vấn nạn 'rác' gây phiền hà người sử dụng điện thoại diễn ra lâu nay. Đông đảo người dân tán thành sự ra đời của Nghị định và mong muốn các quy định sớm được triển khai trong cuộc sống.

Nghị định 91/2020/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để cuộc gọi rác, tin nhắn rác đang gây phiền phức cho người sử dụng điện thoại di động. Ảnh: Đỗ Tâm

Bà Trịnh Ngọc Loan - Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Bảo Vân (phường Giảng Võ, quận Ba Đình):
Việc ban hành Nghị định là rất cần thiết

Ngày nào tôi cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn và các email lạ chào mời mua, bán số điện thoại; giới thiệu các dự án bất động sản; dịch vụ lắp đặt nội thất; sản phẩm giảm giá... Những cuộc gọi, tin nhắn và thư điện tử rác thực sự gây phiền hà và làm mất rất nhiều thời gian của tôi.

Vì vậy, tôi cho rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm quy định về xử phạt vi phạm hành chính; đề ra 8 biện pháp chống, ngăn chặn tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi rác là rất cần thiết. Đặc biệt, Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên định nghĩa thế nào là cuộc gọi rác và phân biệt chúng với cuộc gọi quảng cáo. Theo đó, cuộc gọi rác là cuộc gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng. Trường hợp người dùng từ chối nhận cuộc gọi điện thoại quảng cáo, người quảng cáo phải chấm dứt ngay. Quy định chặt chẽ này không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo cơ sở để cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật.

Chị Chu Thu Huyền, phường Điện Biên, quận Ba Đình:
Chủ động thực hiện quyền và trách nhiệm của mình

Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định rất nhiều biện pháp, trách nhiệm của nhà mạng, cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, chống các tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác như: Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải hướng dẫn khách hàng cách thức chống tin nhắn, cuộc gọi và thư điện tử rác; hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác... Đây được coi là "lá chắn" bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện thoại. Do vậy, để đạt hiệu quả cao thì ngoài việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mỗi người sử dụng điện thoại cũng cần chủ động thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đảng viên Nguyễn Văn Khánh, Chi bộ xóm 3, thôn Lương Châu, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn:
Có căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm

Hằng ngày tôi nhận được khá nhiều tin nhắn quảng cáo về các trò chơi điện tử, cho vay mua nhà, quảng bá sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Dù đã xóa tin nhắn, chặn đầu số gửi đến, nhưng lại có đầu số khác tiếp tục gửi.

Được biết Nghị định 91/2020/ NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2020, quy định chi tiết việc thực hiện quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử. Trong đó, yêu cầu cụ thể nguyên tắc quảng cáo, gắn nhãn quảng cáo, thông tin của người quảng cáo, chức năng từ chối quảng cáo...

Đặc biệt, theo Nghị định, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656. Khi đó, người sử dụng dịch vụ có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới đầu số 5656. Mặt khác, khi thực hiện các chương trình quảng cáo, người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi bản sao tin nhắn quảng cáo tới đầu số 5656 này. Tôi hy vọng, cách quản lý như vậy sẽ chấm dứt được cuộc gọi, tin nhắn rác... đồng thời có căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm, tránh tình trạng nhờn luật.

Luật sư Đào Duy Mười, Công ty Luật hợp danh MIC (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Cần có quy định bảo vệ thông tin cá nhân

Nghị định 91/2020/NĐ-CP là quy định pháp luật rất cần thiết ở thời điểm này khi mà tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đang từng ngày quấy rối người sử dụng. Những điểm mới của Nghị định thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đối với việc ngăn chặn tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Điều đó có thể thấy qua việc xử lý trường hợp vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt khá cao, đến 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, còn một lĩnh vực chưa được đề cập tại Nghị định này là việc khai thác thông tin cá nhân và mua bán dữ liệu thông tin cá nhân đang diễn ra công khai trên các trang mạng - đó là nguồn gốc, tiền đề cho các tin nhắn quảng cáo không mong đợi. Khi khách hàng cung cấp thông tin cá nhân cho một đơn vị kinh doanh hoặc chăm sóc khách hàng nào đó thì đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm lưu giữ và bảo mật thông tin đó, để không lộ ra cho các đối tượng khác... Điều này cần được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở xử lý nghiêm những đối tượng trục lợi từ thu thập, mua bán thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/976838/som-quet-sach-cuoc-goi-rac-tin-nhan-rac