Sớm qua khó nhọc, đón Tết Độc lập

Hai tuần trước khi đến Tết Độc lập, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp phiên đầu tiên, một phiên họp đặc biệt khi tất cả các lãnh đạo chủ chốt của đất nước cùng tham dự, giúp toàn dân vững tin: Nỗi khó nhọc vì đại dịch sẽ sớm qua và niềm vui sẽ sớm trở lại.

Ngày 11/8/2021, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp phiên đầu tiên, một phiên họp đặc biệt khi tất cả các lãnh đạo chủ chốt của đất nước cùng tham dự. Ảnh: Dũng Đông

Ngày 11/8/2021, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 họp phiên đầu tiên, một phiên họp đặc biệt khi tất cả các lãnh đạo chủ chốt của đất nước cùng tham dự. Ảnh: Dũng Đông

Một ngày trước khi diễn ra phiên họp đặc biệt này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86 về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nêu rõ quyết tâm phấn đấu tất cả các tỉnh, thành trong cả nước kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9/2021, trừ vùng “tâm bão” là TP. Hồ Chí Minh, thì thời hạn này phải lùi đến ngày 15/9/2021. Chính phủ nhìn nhận đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực hết sức mình có thể.

“Chiến thắng cho bằng được”

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; một phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học, theo tinh thần "trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt".

Đề cập đến bối cảnh từ đầu năm đến nay, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch Covid-19; đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới; kinh tế - xã hội nước ta tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra; sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức… Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu: “thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế”.

Vào ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư cũng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Nhất định sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được.

“Dứt khoát phải kiểm soát”

“Chúng ta đã phải “hy sinh” để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình trong thời gian sớm nhất có thể”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “bởi để kéo dài thì không những khiến người dân bức xúc mà còn ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu phát triển kinh tế”.

“Chính phủ sẽ bằng mọi giải pháp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đề ra, bảo đảm đời sống cho đồng bào; xứng đáng với niềm tin, hy vọng và khát vọng phát triển đất nước của nhân dân” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Hiện, các đầu tàu kinh tế đều đang trong tình trạng gần như bất động để “trú bão” và đối với đa số người dân đang sống ở nơi này, đây thực sự là quãng thời gian đầy khó nhọc. Cùng với 19 tỉnh, thành phía Nam đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 là Hà Nội, Đà Nẵng. Chỉ nhìn từ Hà Nội, cũng có thể thấy, mặc dù mức độ lây nhiễm dịch bệnh ở Hà Nội chỉ bằng khoảng 1/100 so với TP. Hồ Chí Minh, nhưng Hà Nội vẫn quyết định giãn cách 28 ngày theo Chỉ thị 16, hầu khắp hoạt động sản xuất kinh doanh ở Hà Nội đều đã tạm thời đóng cửa. Việc đi lại của người dân cũng bị siết chặt cho đến ít nhất là ngày 23/8/2021.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi thực hiện phong tỏa cách ly, không được để ai thiếu đói, mọi nơi, mọi lúc phải đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, an toàn an dân. Các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện bằng được mục tiêu này, nếu không làm được hoặc làm không đến nơi đến chốn là có lỗi với dân, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Trong vòng 1 tháng qua, tổng số người lao động đã nhận được hỗ trợ từ Chính phủ là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền mặt đã trực tiếp trao cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng; Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỷ đồng.

Tổ đặc nhiệm vắc-xin

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu, trong đó, hàng đầu là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ quyết tâm thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc-xin với ba mũi nhọn là mua được vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất có thể; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để chủ động sản xuất vắc-xin trong nước và tiêm chủng miễn phí cho toàn dân kịp thời, an toàn và hiệu quả. Mục tiêu đầu năm 2022, cố gắng đạt được tỷ lệ tiêm tạo miễn dịch cộng đồng và không để lỡ nhịp so với các nước khác trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Để thực hiện chiến lược vắc-xin, tới nay Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; tiếp, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vắc-xin. Ngày 12/8/2021, Chính phủ thành lập tổ đặc nhiệm về vắc-xin để tiếp tục tìm nguồn nhập khẩu. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 86 với một trong những nội dung đặc biệt quan trọng là về các cơ chế, chính sách đặc thù, trước hết là cơ chế đặc thù cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có thuốc điều trị, vắc-xin phòng Covid-19 được sản xuất tại Việt Nam.

Hiện, Chính phủ đã bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất trong lịch sử. Đến nay, đã có hơn 12 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân. Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 21 ngày qua, đã tiêm hơn 3,1 triệu liều vắc-xin, tất cả người dân được tiêm đều an toàn. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, để ngay trong tháng 8 có thể đạt mục tiêu bao phủ 70% vắc-xin cho người từ 18 tuổi.

Nguyên Mẫn

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-08-12/som-qua-kho-nhoc-don-tet-doc-lap-109187.aspx