Sớm phòng ngừa thuốc lá điện tử trong giới trẻ

Sự việc một học sinh lớp 8 ở Trường THCS Đà Nẵng, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) hút thuốc lá điện tử sau đó bị ngất tại lớp và được đưa đi cấp cứu, thêm một lần gióng lên 'hồi chuông' cảnh báo về hiện tượng hút thuốc lá điện tử học đường.

Thực ra, trường hợp học sinh trên không phải là cá biệt. Có nhiều lý do để học sinh, sinh viên hút thuốc. Đó có thể là bị bạn bè lôi kéo, rủ rê. Đó có thể là vài lời kích bác, muốn được thể hiện mình. Đó có thể là muốn thử để theo kịp trào lưu. Đó cũng có thể là bị bạn bè ép buộc... Nhưng khi đã thành thói quen, hút thuốc lá điện tử có thể tạo ra những “con nghiện” không kém gì thuốc lá truyền thống.

Không giống như suy nghĩ của nhiều người rằng thuốc lá điện tử an toàn, các chuyên gia y tế cho rằng, thuốc lá điện tử gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút, đặc biệt với trẻ em, thanh thiếu niên. Thậm chí, một số loại còn tiềm ẩn nguy cơ bị ngộ độc vì thuốc có trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút.

Thuốc lá thế hệ mới đem lại lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, các nhà sản xuất đã sử dụng nhiều chiêu trò để thu hút người sử dụng, từ phân phối, quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại đến sử dụng người nổi tiếng, bán hàng trên mạng, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm để thu hút giới trẻ; tung ra giá rẻ, thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng, kích thước, cách đóng gói... để tạo ấn tượng cho thanh thiếu niên về sản phẩm. Nguy hiểm ở chỗ, những sản phẩm này không chỉ được rao bán ở các website thương mại điện tử và mạng xã hội, mà còn được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng ở các thành phố lớn, kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi từ 13 đến 17 sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới 7%.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chẳng hạn, Australia đã cấm nhập khẩu và sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine và sẽ xử mức phạt lên đến hơn 200 nghìn đô-la Australia (AUD) với người vi phạm. Tại Việt Nam, để tránh phải giải quyết những tác hại xấu do thuốc lá thế hệ mới gây ra, Bộ Y tế đã đề xuất cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, trong khi việc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử chưa có hiệu lực, việc tăng cường truyền thông để mỗi người đều hiểu đúng tác hại của thuốc lá điện tử là rất quan trọng. Với học sinh, sinh viên, ngoài các hình thức giáo dục truyền thống, cần đưa vào nhiều hình thức giáo dục kết hợp với trò chuyện, tư vấn và kiểm tra, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng hút thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng. Chúng ta không nên để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như trường hợp kỷ luật hai học sinh hút thuốc lá điện tử ở Hải Phòng.

LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/som-phong-ngua-thuoc-la-dien-tu-trong-gioi-tre-647748