Sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân sau mưa lũ

Chỉ còn ba tuần là bước sang năm mới 2019, nhưng hậu quả do hai cơn bão cuối mùa (số 8 và số 9) gây ra tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên... trong tháng 11 vừa qua vẫn chưa thể khắc phục xong, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

Chỉ còn ba tuần là bước sang năm mới 2019, nhưng hậu quả do hai cơn bão cuối mùa (số 8 và số 9) gây ra tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên... trong tháng 11 vừa qua vẫn chưa thể khắc phục xong, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.

Chồng chất khó khăn

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay, khoảng 300 người dân di dời ngay sau lũ từ khu vực sạt lở, nguy hiểm ở hai thôn Thành Phát và Thành Ðạt, thuộc xã Phước Ðồng, TP Nha Trang vẫn chưa thể trở về nhà. Thành phố đang lập phương án có thể bán đất từ quỹ đất tái định cư với giá ưu đãi, hoặc bố trí chung cư, nhà ở xã hội cho những hộ này. Trước mắt, thành phố hỗ trợ gạo và sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà ở từ ba đến sáu tháng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Dần, đơn vị này đang kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cống tiêu thoát nước của đường Nguyễn Tất Thành, tìm nguyên nhân ngập úng, để có giải pháp xử lý dứt điểm. Ðây là tuyến đường quan trọng nối TP Nha Trang với sân bay Cam Ranh, nhưng mỗi khi mưa lớn là ngập sâu, có chỗ tới cả mét. Riêng tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua TP Cam Ranh, do hệ thống dải phân cách quá dày, tạo thành bức tường chắn khiến nước không thể thoát khi mưa lớn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Dần cho biết, đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp khắc phục, nhưng việc khắc phục sẽ rất khó khăn bởi hai bên đường khu dân cư dày đặc, nước trong núi không thoát ra được.

Chúng tôi về xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) vào thời điểm Ðảng ủy, chính quyền và người dân tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại sau mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8, số 9. Nước đã rút, nhưng con đường chính đi vào làng còn ngổn ngang các loại rác do mưa lũ cuốn phăng từ phía thượng nguồn và kéo về ùn ứ trên hầu hết các tuyến đường tại những thôn ở vùng hạ lưu. Nhiều doanh nghiệp tại địa phương đã dùng xe cơ giới để nạo vét, thu gom rác dồn đống, tràn lan trên con đường vào làng, đồng thời tổ chức vá dặm tạm những đoạn đường bị sạt lở, hư hại… giúp người dân đi lại, nhanh chóng khôi phục sản xuất tại những đám ruộng, rẫy nho bị ngập nước nhiều ngày trước đó.

Hộ anh Lê Xuân ở thôn Từ Tâm 1 cất nhà ở trong khu đất vừa làm rẫy vừa chăn nuôi. Những ngày vừa qua, cả khu đất bị ngập sâu cho nên nhiều vật dụng trong nhà đều bị hư hỏng. Vợ chồng anh tất bật với việc dọn dẹp để khôi phục sản xuất. Anh Xuân nói: "Trước đó, nghe chính quyền thông báo nhưng do mưa lớn và lũ đổ về mạnh, tôi chỉ kịp dùng nhiều cây gỗ để kê thành những bậc cấp trong chuồng cho lợn có chỗ cao mà tránh trú. Nay phải thuê công dọn dẹp, sửa chữa lại chuồng nuôi; cày xới đất để kịp trồng hoa bán vào dịp Tết năm nay".

Khẩn trương khắc phục

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Ðức Vinh cho biết, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Nha Trang phải khảo sát kỹ và sớm đề xuất phương án cụ thể để UBND tỉnh xem xét giải quyết. Trong khi chờ phương án, thành phố phải quản lý chặt chẽ, không được cho người dân quay về khu vực còn có khả năng sạt lở; đồng thời, tích cực hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Các địa phương cần rà soát mức độ thiệt hại để có kế hoạch khắc phục, khẩn trương đánh giá thiệt hại về nhà ở để hỗ trợ theo đúng quy định mới ban hành. Sở Giao thông vận tải và các địa phương phải có báo cáo chi tiết đối với các công trình hư hỏng lớn; khảo sát và lập danh sách các công trình hư hỏng để phân loại, có hướng đầu tư ngay trước mắt cũng như lâu dài để bảo đảm người dân đi lại, sản xuất.

Ðể ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ, các cơ sở y tế phối hợp ban, ngành, đoàn thể liên quan của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tiến hành khử khuẩn các giếng nước bị ngập; diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh cho người dân... Trạm trưởng Y tế xã Cam Tân, huyện Cam Lâm Trịnh Thị Thu Thơm cho biết, xã có gần 2.500 hộ. Ðợt mưa lũ vừa qua, khoảng 40% số hộ bị ảnh hưởng, hơn 200 giếng nước bị ngập. Ngay sau khi nước lũ rút, trạm phối hợp y tế thôn, bản và các trưởng, phó thôn đi khử khuẩn các giếng nước, cấp phát Cloramin B hướng dẫn người dân tự thực hiện tại nhà.

Tại tỉnh Ninh Thuận, với phương châm "nước rút đến đâu khắc phục đến đó", các địa phương đang dồn mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do thiên tai. Ngay sau khi nước rút, toàn tỉnh tập trung khắc phục những vùng bị sạt lở, khôi phục giao thông thuận lợi, đồng thời có giải pháp hỗ trợ cho người dân tiếp tục sản xuất, ổn định đời sống. Huyện Ninh Phước đã huy động lực lượng thanh niên xung kích tại các địa phương giúp dân khắc phục, nhờ vậy việc tháo nước chống ngập úng ở nhiều vùng đã được xử lý. Chợ thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải ùn ứ nhiều loại rác thải cũng đã được người dân tổ chức thu dọn để sớm nhóm lại chợ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Hữu Ðức cho biết, việc gia cố 70 m bờ sông Lu, suối Tầm Rá đã ổn định, người dân ở các vùng này đang ổn định sản xuất trở lại.

Hàng trăm hộ di dời tránh lũ ở thôn Thủy Lợi, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải cũng quay lại nhà và tất bật với việc sửa chữa, gia cố lại đìa nuôi tôm, nuôi cua… tháo nước ngập úng ruộng lúa. Chủ tịch xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải Trần Văn Nam cho biết, sau thiệt hại, nhiều hộ cũng đã gia cố lại lồng bè nuôi thủy sản để tiếp tục vào vụ nuôi mới. Các hộ trồng nho cũng khẩn trương gia cố lại giàn nho, tiếp tục chăm sóc để thu hoạch bán vào dịp Tết Dương lịch 2019 sắp tới. Tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, các tuyến đường nội thành bị ngập nước cục bộ được khơi thông, người dân dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa lại nhà, tiếp tục kinh doanh buôn bán.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, tính đến cuối tháng 11-2018, thiên tai đã làm 198 người chết và mất tích, 141 người bị thương; 1.747 nhà bị đổ, sập và 30.429 nhà bị hư hại; nhiều héc-ta cây công nghiệp và cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm ki-lô-mét đê, kè, kênh mương và bờ sông, biển bị sạt lở; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn bị sạt trượt. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Riêng hai cơn bão cuối mùa (số 8 và số 9) tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh đã làm 18 người chết và mất tích, 34 người bị thương, hàng trăm nhà bị đổ sập, hư hỏng, tốc mái, nhiều tuyến đường bị ngập...

Bài, ảnh: PHONG NGUYÊN và NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38523802-som-on-dinh-doi-song-san-xuat-cua-nguoi-dan-sau-mua-lu.html