Sớm ngày nào, tốt ngày ấy!

'VFF cần sớm hoàn thiện các khâu còn lại để tiến hành Đại hội khóa VIII - nhiệm kỳ 2018-2022, bởi bộ máy điều hành của bóng đá Việt Nam sớm được kiện toàn ngày nào sẽ tốt cho bóng đá nước nhà ngày ấy' - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh khi trao đổi với Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh và các nhà quản lý thể thao vào chiều 5-7, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt lưu ý vấn đề tổ chức Đại hội VFF khóa VIII khi nói về công tác Thể dục thể thao trong 6 tháng cuối năm 2018. Ông nhấn mạnh: "Nhìn lại hiệu ứng từ thành công của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam là đủ thấy bóng đá có tác động lớn đến thế nào đối với xã hội. Chính vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VFF cần sớm hoàn thiện các khâu chuẩn bị để tổ chức Đại hội, coi đây là việc cần làm sớm nhất trong khả năng có thể để bảo đảm sự phát triển của bóng đá nước nhà, trong đó, yêu cầu ổn định nhân sự là vô cùng quan trọng".

Nhân sự luôn là vấn đề khó xử lý nhất tại Đại hội của các liên đoàn thể thao. Đặc biệt, không dễ để tìm kiếm một tân Chủ tịch VFF đạt đủ yêu cầu "có tâm, có tầm, có đức, có tài và đặc biệt là có tình yêu với bóng đá, có trách nhiệm với người hâm mộ, với đất nước" - như yêu cầu mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu ra. Với vị trí Chủ tịch VFF, quá trình chuẩn bị nhân sự cho thấy hiện đang có 4 ứng viên gồm ông Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia; ông Lê Quý Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao 2 (TP Hồ Chí Minh) và ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF. Trong đó, ngoại trừ ứng viên Nguyễn Công Khế, cả 3 ứng viên còn lại đều thuộc diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Không giới thiệu ứng viên tranh cử, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ chia sẻ: "Đề nghị Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh về báo cáo lại Thường trực VFF, nếu còn vấn đề gì vướng mắc liên quan đến nhân sự của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì VFF cứ xin ý kiến. Công tác chuẩn bị Đại hội VFF cần thực hiện đúng Điều lệ của VFF và quy định của FIFA".

Để tìm được những người thực sự đủ tâm - tài và có tình yêu với bóng đá tham gia bộ máy lãnh đạo VFF, nhiều ý kiến cho rằng các ứng viên đều cần có đề án cụ thể cho các vị trí chủ chốt, bảo đảm Đại hội sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và Điều lệ hoạt động của VFF. Ông Lương Hoàng Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo - một trong các ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông của VFF bày tỏ: "Các ứng viên cần công khai đề án, nêu rõ chiến lược, kế hoạch hành động xem họ có thể và sẽ làm gì cho sự phát triển chung của bóng đá nước nhà".

Ông Lương Hoàng Hưng cũng thẳng thắn chia sẻ: "Ứng cử vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách Truyền thông, tôi mong muốn khai thác một nguồn vốn rất lớn - thương hiệu "Bóng đá Việt Nam” - thông qua quảng bá, truyền thông về hình ảnh đẹp của đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23 Việt Nam... Chúng ta có rất nhiều tài sản trí tuệ chưa được khai thác triệt để như bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, quần, áo, giày, hình cầu thủ, biểu trưng đội tuyển, thương hiệu VFF và của các CLB, bản quyền truyền hình, ca khúc bóng đá, các game show… Nếu xây dựng và khai thác tốt khối tài sản này, tôi nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển".

Suy cho cùng, việc các ứng viên chủ động đưa ra đề án hoạt động ở từng vị trí chủ chốt, nêu chiến lược phát triển bóng đá một cách công khai chắc chắn sẽ giúp các đại biểu dự Đại hội VFF có cái nhìn rõ ràng hơn về năng lực của từng ứng viên, từ đó có lựa chọn xác đáng.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-thao/906878/som-ngay-nao-tot-ngay-ay