Sớm nạo vét, khơi thông luồng lạch cửa biển

Theo phản ánh của cử tri huyện Đầm Hà, nhất là tại các xã ven biển như Đại Bình, Tân Lập, các tuyến, luồng thủy nội địa bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền mỗi khi ra, vào bến đã diễn ra nhiều năm nay. Nạo vét, thông lạch là mong mỏi của đông đảo ngư dân ở đây.

Đến bến Xóm Giáo (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) những ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi được nghe ngư dân nơi đây giãi bày về câu chuyện mưu sinh. Chỉ vì đáy các luồng lạch đang ngày càng bị bồi lấp nặng nề hơn, khiến cho việc tàu thuyền ngư dân qua lại trở nên khó khăn. Họ không thể chủ động ra khơi đánh cá hoặc cập bến ngay sau mỗi chuyến biển, mà ngày nào cũng phải chờ từng đợt thủy triều lên mỗi ngày thì mới có thể theo luồng lạch mà di chuyển. Còn nếu nước xuống thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Cán bộ xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) nắm tình hình sản xuất của ngư dân thôn Xóm Giáo của xã.

Cán bộ xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) nắm tình hình sản xuất của ngư dân thôn Xóm Giáo của xã.

Ông Trịnh Văn Phan (thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà) cho biết: “Chúng tôi là người địa phương, đã quen với tình trạng này nhiều năm, nên biết điều chỉnh nếp sinh hoạt, sản xuất cho phù hợp với điều kiện con nước lên xuống tự nhiên. Ấy thế mà cũng không ít lần tàu mang tôm cá vừa đánh bắt về tới cửa bến rồi mà gặp lúc nước cạn, thế là đành phải neo đậu ngoài xa. Nếu cố liều vào thì sẽ bị mắc cạn giữa dòng, thậm chí có thể gãy chân vịt, vỡ cả thuyền. Tôm cá không đưa được vào bờ ngay nên phải cho vào thùng xốp, thả trôi lập lờ theo mặt nước để người nhà lội bộ cả tiếng đồng hồ kéo vào. Hải sản lúc đó được thương lái thu mua với giá cao hay thấp thì phụ thuộc vào độ tươi sống còn giữ được, nên dễ xảy ra tình trạng bị ép giá, chúng tôi cũng phải chịu thiệt nhiều”.

Không thể thuận tiện ra vào bến Xóm Giáo, tàu thuyền cũng chẳng thể di chuyển sang bến bãi khác khi mà các tuyến luồng vào các bến khác trong khu vực, như Đại Bình (xã Đại Bình), Phúc Tiến (xã Tân Lập), Đầm Buôn (xã Đầm Hà)... cũng chung tình trạng bị bồi lắng, chưa được đầu tư nạo vét. Còn nếu các tàu di chuyển tới những bến cách xa hẳn thì vừa mất thời gian và tốn thêm chi phí. Ngư dân trong vùng muốn đầu tư tàu lớn, máy móc hiện đại hơn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... cũng không phải dễ.

Tàu thuyền của ngư dân địa phương neo đậu tại bến Phúc Tiến (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà).

Thực trạng này được cử tri, nhân dân địa phương nhiều lần kiến nghị, phản ánh tới cấp ủy, chính quyền tại các cuộc họp HĐND các cấp, buổi tiếp xúc cử tri... Mới đây, tại cuộc giao ban trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn của huyện, đại biểu của thôn Xóm Giáo (xã Đầm Hà) tiếp tục có ý kiến về vấn đề này, đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, có phương án giải quyết dứt điểm. Được biết, nhiều năm qua, huyện đã giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì công tác khảo sát đánh giá thực trạng để báo cáo, giải đáp khúc mắc cho người dân theo thẩm quyền và trình lên cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đầm Hà, cho biết: Tháng 4/2019, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản gửi Sở GT-VT báo cáo nhu cầu nạo vét các tuyến luồng đường thủy nội địa địa phương và luồng thủy nội địa chuyên dùng. Cụ thể, có 2 luồng cấp IV với tổng chiều dài dự kiến 12km đã được huyện đề nghị với Sở tiến hành nạo vét, gồm: Tuyến từ bến Đại Bình ra cửa Bò Vàng, tuyến từ bến Xóm Giáo tới Núi Rứa. Tuyến từ bến Đầm Buôn ra Cửa Hẹp dài gần 7km đang trong quá trình lập dự án để triển khai thời gian tới. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ cần có kinh phí lớn, hỗ trợ thiết thực cho các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp.

Trong khi chờ kiến nghị được giải quyết, ngư dân huyện Đầm Hà vẫn khắc phục khó khăn, tích cực vươn khơi bám biển; mong mỏi các cấp thẩm quyền sớm xử lý tình trạng trên, tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân ra vào bến thuận lợi.

Hoàng Giang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201907/som-nao-vet-khoi-thong-luong-lach-cua-bien-2447117/