Sớm lấp 'lỗ hổng' cai nghiện tại cộng đồng

Nghiện ma túy là một trong những 'cái gốc' phát sinh nhiều loại tội phạm. Những năm gần đây, cùng với việc gia tăng số người nghiện ma túy, đáng lo ngại là số người nghiện chưa thành niên (dưới 18 tuổi) cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc cai nghiện cho đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến giữa tháng 12-2019, cả nước có 246.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Hơn 70% số người nghiện ma túy dưới 35 tuổi; 0,8% là trẻ vị thành niên, học sinh. Số người nghiện ma túy tăng bình quân khoảng 10.000 người/năm. Thời gian qua, việc tổ chức quản lý, cai nghiện cho người chưa thành niên là vấn đề khá nan giải. Nhiều địa phương trên cả nước đang "đau đầu" trước vấn đề này.

Trước năm 2014, người nghiện dưới 18 tuổi thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2014, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, chỉ người đủ 18 tuổi trở lên mới bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì thế, với người chưa thành niên chủ yếu là cai nghiện tự nguyện theo các hình thức: Cai tại gia đình, cai tự nguyện trong các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cai tự nguyện tại các cơ sở tư nhân... . Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều nơi không mang lại hiệu quả. Cai nghiện ma túy cho người dưới 18 tuổi hiện là một vấn đề nóng, cần những giải pháp đồng bộ. Thiếu tá Nguyễn Anh Việt, Công an phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù nắm rõ những em nghiện ma túy trên địa bàn nhưng chúng tôi không thể lập hồ sơ đưa đi cai nghiện, trừ trường hợp các em tự nguyện, hoặc vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ có thể phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương và gia đình quản lý, giáo dục, cho các em tự cai nghiện tại cộng đồng. Thế nhưng, hầu hết người chưa thành niên nghiện ma túy đều sống trong gia đình khiếm khuyết, bố mẹ bỏ nhau, không quan tâm đến con cái hoặc vi phạm pháp luật nên việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là không hiệu quả".

Công an huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và phòng, chống ma túy tại Trường THPT Hoa Lư.

Công an huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và phòng, chống ma túy tại Trường THPT Hoa Lư.

"Chờ" ở cộng đồng vài năm, khi đủ 18 tuổi mới được đưa đi cai nghiện bắt buộc khiến nhiều em nghiện nặng hơn, thậm chí vi phạm pháp luật. Rõ ràng đây là "lỗ hổng" lớn. Như trường hợp em Nguyễn Văn T., ở khu phố người viết bài này, có mẹ bị bệnh mất sớm. Cảnh "gà trống nuôi con" khiến bố T. chán chường, thường xuyên uống rượu, thiếu quan tâm, giáo dục con cái. Vì vậy, T. nghiện ma túy từ năm lớp 8. Không được đưa đi cai nghiện bắt buộc, việc cai nghiện tại nhà không hiệu quả khiến T. rơi vào con đường trộm cắp, bỏ nhà đi lang thang...

Nghiện ma túy là bệnh tâm thần đặc biệt. Người chưa thành niên nghiện ma túy cũng là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, cần có giải pháp đặc thù. Cần thiết phải cách ly các em khỏi môi trường xã hội một thời gian để cai nghiện mà vẫn bảo đảm phù hợp với quyền con người quy định trong Hiến pháp và Luật Trẻ em, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) mới đây quy định thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là 6-12 tháng. Việc đưa nhóm người này vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện quyết định và không coi là biện pháp xử lý hành chính.

Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ quy định này. Khi chuyển thẩm quyền sang TAND cấp huyện (trước đây do chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định thì nay chủ tịch UBND xã, cơ quan lao động-thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị, TAND cấp huyện ra quyết định), có ý kiến tham vấn của cơ quan bảo vệ trẻ em là chúng ta đã thực hiện được biện pháp phòng ngừa sớm, giáo dục các em chứ không phải trừng phạt, đồng thời phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Cũng theo luật sư Đỗ Viết Hải, người Việt Nam chưa có thói quen giải quyết các vấn đề thông qua tòa án, nên cần tuyên truyền, vận động gia đình, người thân người nghiện ma túy chưa thành niên để mọi người hiểu được rằng đây là quyền lợi của các em để tích cực hợp tác.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Quy định của dự thảo luật rất nhân văn, nhưng khi triển khai qua 3 cấp (UBND xã, cơ quan lao động-thương binh và xã hội huyện, TAND huyện), cái vướng nhiều khi không chỉ là năng lực, trình độ cán bộ mà vướng về thủ tục, quy trình rườm rà. Tôi hy vọng thời gian tới, các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ đơn giản nhất để việc thực hiện qua TAND dễ dàng và thuận tiện cho người nghiện và gia đình. Tôi cũng mong muốn cơ sở vật chất, con người ở trung tâm cai nghiện của Nhà nước cho nhóm đối tượng này được đầu tư và phải có những khu riêng để tạo điều kiện cho các em được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, được học văn hóa để khi rời trung tâm có thể tiếp tục theo học ở các trường phổ thông. Công tác xã hội hóa trong cai nghiện cũng cần có chính sách cụ thể, vì đây là lĩnh vực rủi ro, ít lợi nhuận, trong đó các trung tâm tư nhân cần được hỗ trợ một phần về đất đai, vốn và các đối tượng đến cai nghiện tại đây cũng được hưởng những chính sách của Nhà nước...”.

KIM DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/som-lap-lo-hong-cai-nghien-tai-cong-dong-654311