Sớm khởi tố bị can trong vụ cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên

Trong khi bằng chứng về hành vi cưỡng đoạt tài sản của các tiểu thương đã rất rõ ràng, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cần sớm làm rõ tất cả các bị can tham gia thực hiện hành vi phạm tội.

Dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên. (Ảnh cắt từ clip của VTV)

Dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên. (Ảnh cắt từ clip của VTV)

Những ngày gần đây, dư luận đang chú ý tới vụ việc cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên được Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án để điều tra. Điều đáng nói, khi thông tin về sự việc được báo chí phanh phui đã khiến nhiều người dân bức xúc vì ngay giữa Thủ đô lại tồn tại băng nhóm ngang nhiên thu tiền trái pháp luật của người dân với giá “cắt cổ”.

Thực trạng này làm người ta nhớ tới cách đây khoảng vài chục năm, từng tồn tại một băng nhóm giang hồ cưỡng đoạt tài sản mà kẻ cầm đầu là Dương Văn Khánh, tức Khánh “trắng”. Là một đối tượng vào tù ra tội, Khánh thiết lập một đường dây đàn em thôn tính toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu vực lân cận. Khánh “trắng” cũng núp dưới danh nghĩa tổ đội bốc xếp, vận chuyển kiêm bảo vệ để bóc lột những người dân buôn bán. Những kẻ đối đầu với Khánh và tay chân của hắn dễ dàng bị trả thù, nhẹ thì gây khó dễ đối với việc kinh doanh, nặng thì hắn cho đàn em hành hung để dằn mặt.

Tại chợ Long Biên, những thông tin điều tra từ báo chí cho thấy, mô hình bóc lột tiểu thương cũng tương tự so với ổ nhóm tội phạm Khánh “Trắng” đã bị triệt phá từ nhiều năm trước nhưng lại tinh vi hơn. Theo đó, theo quy định, tiểu thương kinh doanh trong chợ khi vào cổng chỉ mất từ 15.000-60.000 đồng/lượt xe, xe nào vào trước thì đỗ trước, nhưng trên thực tế, họ phải nộp từ 200.000-350.000 đồng/lượt. Nhóm bóc lột gọi đây là luật chợ, ai không theo luật, phải trả giá. Nhóm bóc lột còn khuyến khích tiểu thương nộp khoản tiền này theo năm đối với những hộ có ô, sạp kinh doanh ổn định. Mỗi lần nộp, tiểu thương chỉ được đi một mình, giao tiền ở chỗ vắng người và không để lại dấu tích gì để chứng minh.

Thực tế, theo một số người buôn bán ở chợ Long Biên, đường dây phạm tội cưỡng đoạt ở chợ Long Biên đã tồn tại từ lâu nhưng chỉ đến khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý. Và nếu không có các phương tiện thông tin đại chúng, chưa biết đến bao giờ, cảnh bóc lột, chèn ép người dân lương thiện buôn bán mới ngừng diễn ra.

Hành vi cưỡng đoạt tài sản của người dân buôn bán ở chợ Long Biên là sự thật không thể chối cãi. Và tất nhiên, sẽ có những kẻ phạm tội được đưa ra ánh sáng để chịu trách nhiệm của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận đang mong chờ cơ quan điều tra làm đến cùng của vụ việc để phanh phui tất cả những kẻ nào đứng sau “bảo kê”, “chống lưng” cho băng nhóm bóc lột tiểu thương ở chợ Long Biên.

Theo ý kiến của một số luật sư, vụ cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên, các đối tượng không chỉ đe dọa dùng vũ lực, mà còn có các thủ đoạn khác để uy hiếp về mặt tinh thần tiểu thương, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo các bằng chứng như clip, ghi âm, giấy nhận tiền… đã đủ căn cứ để khởi tố nhóm người này về tội Cưỡng đoạt tài sản. Nhiều người cho rằng đây là hành vi cướp tài sản của người dân, nhưng giữa hai tội danh này có sự khác biệt. “Cướp tài sản” là dùng vũ lực hay đe dọa dùng thủ đoạn khác ngay lập tức để chiếm đoạt tài sản, còn như băng nhóm này đe dọa, có những hành vi khiến người dân từ từ lâm vào cảnh mất tinh thần, không có cách phản kháng, buộc họ phải làm theo ý của chúng thì nó cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Đây là những thủ đoạn hết sức khốc liệt và nhiều khi gây khó cho cơ quan chức năng. Cơ quan Công an cần sớm làm rõ tất cả các bị can liên quan trong vụ án để người dân yên tâm làm ăn, buôn bán.

Liên quan đến vụ việc này, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Sơn đã nêu rõ: Vụ việc ở chợ Long Biên là không chấp nhận được. Bộ Công an đã chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh kết luận vụ án để sớm đưa ra xử lý.

CÔNG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37814402-som-khoi-to-bi-can-trong-vu-cuong-doat-tai-san-o-cho-long-bien.html