Sớm hoàn thiện 'tấm khiên' bảo vệ môi trường

Liên tiếp những sự cố môi trường nghiêm trọng, nhất là những vấn đề về bão lũ, xây dựng thủy điện nhỏ ở miền trung nước ta khiến cho nội dung thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường - BVMT (sửa đổi) được rất đông cử tri cả nước theo dõi. Người dân mong mỏi 'tấm khiên' BVMT lần này sẽ khắc phục triệt để những bất cập, sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua để phát huy hiệu quả trong thực tế.

Tình trạng phá rừng xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh: ĐỨC HUYNH

Tình trạng phá rừng xảy ra ở nhiều địa phương. Ảnh: ĐỨC HUYNH

Liên tiếp những sự cố môi trường nghiêm trọng, nhất là những vấn đề về bão lũ, xây dựng thủy điện nhỏ ở miền trung nước ta khiến cho nội dung thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường - BVMT (sửa đổi) được rất đông cử tri cả nước theo dõi. Người dân mong mỏi “tấm khiên” BVMT lần này sẽ khắc phục triệt để những bất cập, sớm hoàn thiện trình Quốc hội thông qua để phát huy hiệu quả trong thực tế.

Tăng năng lực quản lý

Sau hơn 5 năm được thực thi, Luật BVMT năm 2014 đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn đất nước.

Trong bối cảnh, các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) trong Luật BVMT năm 2014 cần sửa đổi sao cho phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các quy định và thiết chế tổ chức tương tự trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta đã tham gia; thời gian qua, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu rà soát, tiếp thu quy định cụ thể về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Điều 92); quy định kiểm kê khí nhà kính cho phù hợp quy định trong Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, các cơ sở có liên quan để bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động về Bảo vệ tầng ô-zôn (Điều 93); bổ sung, làm rõ nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH (Điều 95); quy định các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.

Các đại biểu trao đổi trong hành lang Hội trường Quốc hội. Ảnh: NGỌC THÁNG

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh đến nội dung Kiểm toán môi trường trong Luật này được quy định để khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị dịch vụ thực hiện kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn; bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thực hiện nội dung kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và pháp luật có liên quan như tại khoản 4 Điều 75 dự thảo Luật.

Tuy nhiên, có một số vấn đề “phải tạm gác lại”, như chính sách về trao đổi, mua, bán phát thải giữa các tổ chức, cá nhân cần được tiếp tục cân nhắc, thí điểm trước khi chính thức luật hóa để bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ trên thực tế, tránh tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, UBTVQH xin phép Quốc hội chưa quy định trong Luật lần này về thị trường phát thải đối với nước thải và khí thải nói chung, chỉ quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon để thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính như tại Điều 140.

Thiết thực hơn trong tham vấn cộng đồng

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) - đã được quy định từ Luật BVMT năm 1993, dần hoàn thiện năm 2005 và năm 2014. Thực tiễn cho thấy, Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập do chưa có cơ chế giám sát và áp dụng trách nhiệm pháp lý hữu hiệu đối với quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện báo cáo ĐTM, bảo đảm quyền lợi của cá nhân, cộng đồng chịu tác động của dự án liên quan vấn đề môi trường.

Nhằm rút gọn thủ tục thẩm định báo cáo ĐTM, dự thảo Luật quy định về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” tại khoản 2 Điều 35, cho phép chủ dự án được trình đồng thời hồ sơ thẩm định báo cáo ĐTM với hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi; tùy vào loại hình dự án, chủ dự án sẽ chủ động tính toán cho phù hợp thời điểm trình thẩm định báo cáo ĐTM mà không phụ thuộc tiến độ của các bước thẩm định khác như theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, v.v.

Trên thực tế triển khai ĐTM, vấn đề khiến không ít chuyên gia môi trường trăn trở nằm ở nội dung Tham vấn cộng đồng (TVCĐ). Tại một hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật mới đây do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, ông Võ Trí Chung, Ủy ban Quốc gia Unesco Việt Nam đã thẳng thắn cho biết: “TVCĐ phải đích thực. Chúng tôi đi làm ĐTM cũng nhiều lắm rồi, mà dường như TVCĐ chỉ là hình thức. TVCĐ mà làm đến nơi đến chốn thì đó chính là trách nhiệm cao nhất trước Nhà nước về BVMT”.

Bàn giải pháp, đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật liên quan. Theo đó, nên xác định rõ tiêu chí phân loại dự án, có thể lựa chọn phương án phân thành bốn nhóm có nguy cơ gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; mức có nguy cơ; ít có nguy cơ; và không có nguy cơ.

Quy định Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH. Kết quả xin ý kiến, có 40/50 Đoàn ĐBQH đề nghị thực hiện theo Phương án 2 trong dự thảo Luật, cụ thể: Giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn. Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, thanh tra về BVMT của dự án, cơ sở.

Từ những bất cập thực tế, sau hơn 5 năm Luật BVMT 2014 đi vào cuộc sống, lần này, cử tri và nhân dân cả nước mong mỏi, các ĐBQH phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến, làm sao để Luật BVMT (sửa đổi) lần này nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc phản biện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, pháp luật về môi trường; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường; hoàn thiện hơn cơ chế pháp luật trong khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường… Tất cả nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, bền vững của tất cả chúng ta.

HỒNG CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/som-hoan-thien-tam-khien-bao-ve-moi-truong-622717/