Sớm hoàn thành mục tiêu 'phủ sóng' hóa đơn điện tử

Hơn 4 tháng kể từ khi Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa cung cấp dịch vụ có hiệu lực, thông tin về HĐĐT đã 'len lỏi' khắp các ngóc ngách phố phường, đến từng hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Có phấn khởi, có e ngại, nhưng tựu trung, với những lợi ích mà nó mang lại, mục tiêu 'phủ sóng' HĐĐT đến năm 2020 của Chính phủ có thể sẽ sớm hoàn thành.

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy trong thời gian tới.

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy trong thời gian tới.

Doanh nghiệp ủng hộ

Theo Luật Doanh nghiệp, điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp về mặt thủ tục khá đơn giản. Việc chuyển đổi chỉ cần 1 đơn xin thành lập doanh nghiệp kèm theo chứng từ về nhân thân của chủ hộ kinh doanh như: Chứng minh thư, hộ chiếu... Đối với loại hình doanh nghiệp khác như Công ty TNHH, Công ty Cổ phần... thì cần thêm điều lệ và chứng từ nhân thân của thành viên tham gia.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2019 tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện được những mục tiêu trên, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp trọng điểm, trong đó có yêu cầu mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%.

Thực tế, hiện hầu hết các địa phương đều đã có doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Qua khảo sát, với nhóm doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn, đa số đều ghi nhận những tiện ích ưu việt của HĐĐT đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn. Trong khi đó, chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. So sánh như vậy để thấy rằng, với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được chi phí hơn 3 tỷ đồng/tháng, khoảng 36 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn "trải nghiệm" tiện ích của HĐĐT, nhiều doanh nghiệp nhỏ tuy chưa chính thức sử dụng nhưng đã bắt đầu tìm hiểu và hoàn toàn ủng hộ ứng dụng này của ngành Thuế. Theo ông Đặng Hồng Thái, Giám đốc Công ty kết cấu thép Vsteel: "Mọi chủ trương của Chính phủ ban hành ra đều có mục đích nhất định và tác động tốt tới môi trường kinh doanh. Với HĐĐT, ngay từ khi có thông tin, chúng tôi đã nghe ngóng, tìm hiểu và chắc chắn sẽ áp dụng trong thời gian sớm nhất".

Kế toán trưởng của doanh nghiệp này cũng chia sẻ, được sự chỉ đạo của ban giám đốc, bộ phận kế toán đã tìm hiểu thông tin trên mạng, cơ quan Thuế và cả những doanh nghiệp bạn đã sử dụng. Theo đánh giá, việc sử dụng HĐĐT khá đơn giản, không quá phức tạp và gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp.

Hiện nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, sau khi sử dụng hết số hóa đơn giấy còn lại, doanh nghiệp sẽ chuyển sang dùng HĐĐT. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp sẽ thiệt thòi lớn nếu vẫn cố sử dụng số hóa đơn giấy còn lại thay vì HĐĐT. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch hóa đơn, bảo quản hóa đơn cũng như việc nộp thuế.

Các chuyên gia khuyến nghị, khi HĐĐT trở thành xu hướng thống trị, không chờ đến thời gian “bắt buộc phải sử dụng”, các doanh nghiệp lớn nhỏ nên chuyển từ hóa đơn giấy sang HĐĐT. Mọi phương thức hoạt động, quy trình cần được bắt nhịp để phù hợp và quen dần.

Theo Tổng cục Thuế, Nghị định số 119 của Chính phủ quy định rất rõ, tất cả các đối tượng phải chuyển sang sử dụng HĐĐT từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020. Để đảm bảo lộ trình trên, những doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử nên sớm triển khai áp dụng hình thức HĐĐT để tránh được những rủi ro sau này khi triển khai đồng loạt mà doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh không né tránh

Thực tế cho thấy, khi thông tin về việc áp dụng HĐĐT được tuyên truyền rộng rãi, không giống như các doanh nghiệp, phần đông hộ kinh doanh thực sự tỏ ra hoang mang, e ngại bởi lo sợ HĐĐT sẽ phức tạp, mất thời gian, chi phí. Theo chia sẻ của một cán bộ Thuế, khi tiếp xúc với hộ kinh doanh, trong thời gian vừa qua, câu hỏi nhận được nhiều nhất đó là: "Dùng như thế nào? Có khó không? Có tốn kém không? Ảnh hưởng gì tới công việc kinh doanh?".

Tuy nhiên, theo quy định, hộ kinh doanh có thể áp dụng 2 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là những hộ lớn có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, họ tự khởi tạo HĐĐT (HĐĐT thông thường). Nhóm khác là các hộ nhỏ, không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng vẫn có thể sử dụng HĐĐT bằng cách đến cơ quan thuế để nhờ cơ quan thuế khởi tạo HĐĐT cấp cho hộ kinh doanh (HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế). Tổng cục Thuế khuyến nghị các hộ kinh doanh không nên e ngại.

Hơn nữa, theo bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, Nghị định 119 tập trung vào nhóm hộ lớn, chiếm khoảng 7 - 10% tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động hiện nay (khoảng 1,7 triệu hộ). Nhóm hộ lớn này bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, sử dụng sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai và không áp dụng thuế khoán như các hộ kinh doanh nhỏ. Với quy định như vậy, các hộ lớn đã được đối xử như doanh nghiệp. Còn các hộ nhỏ hơn không nên quá lo lắng.

Ngoài ra, để thống nhất đồng bộ việc này, Bộ Tài chính đang có kế hoạch sửa đổi chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh cũng như sửa đổi chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, qua đó thúc đẩy hộ lớn chuyển thành doanh nghiệp chứ không để các doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh để trốn thuế.

Theo anh Vũ Định, chủ chuỗi quán ăn Phở Định (Hà Nội), hiện tại, các cửa hàng của chuỗi Phở Định đều không có hóa đơn cho khách hàng. Do vậy, khi áp dụng HĐĐT, phương thức kinh doanh sẽ phải thay đổi đáng kể.

"Dù có hơi lo sợ nhưng khi được cán bộ thuế tại địa bàn tư vấn, chúng tôi hiểu, với HĐĐT thì tình hình kinh doanh sẽ trở nên rõ ràng, minh bạch và hạch toán chính xác cụ thể tới từng ngày, tại từng cơ sở thay vì chỉ ước lượng định lượng như trước kia. Hơn nữa, sau khi tìm hiểu về phần mềm cũng như máy bán hàng, tôi biết chi phí ban đầu cũng không quá cao. Do vậy, chúng tôi sẽ không né tránh quy định, dù quy mô kinh doanh không quá lớn nhưng chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ và sử dụng HĐĐT trong thời gian tới", anh Vũ Định khẳng định.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính: Hóa đơn điện tử được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới

Hiện nay, HĐĐT ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm mang lại tiện ích cho người sử dụng. Hầu hết các quốc gia đều triển khai HĐĐT vào cả khu vực công và tư với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử. Nhìn chung, tại các quốc gia này, đối tượng áp dụng HĐĐT chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập HĐĐT được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa doanh nghiệp và Chính phủ), B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân).

Tại châu Âu, HĐĐT được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, tại Thụy Điển, HĐĐT được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 và đối tượng là doanh nghiệp. Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác định HĐĐT trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị quy định chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng HĐĐT B2G.

Trong khi đó, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng HĐĐT đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Việc này giúp cơ quan thuế có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây. Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng HĐĐT cho tất cả các doanh nghiệp. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống mã ký hiệu dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua HĐĐT, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của DN. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.

Còn ở Singapore, ngay từ năm 2003 đã áp dụng HĐĐT. Theo đó, doanh nghiệp có thể phát hành HĐĐT mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan thu nội địa (IRAS), nhưng phải tuân thủ hướng dẫn lưu giữ hồ sơ đăng ký. Doanh nghiệp cũng có thể thuê bên thứ ba tạo HĐĐT và tín dụng điện tử.
Mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và cơ quan Thuế.

Bảo Minh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/som-hoan-thanh-muc-tieu-phu-song-hoa-don-dien-tu-100685.html