Sớm hỗ trợ kịp thời cho du lịch

Với mức đóng góp gần 10% GDP của đất nước, nhưng ngành du lịch đang rơi vào khủng hoảng lớn do dịch Covid-19. Vì vậy, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) vừa có kiến nghị Chính phủ áp dụng càng sớm càng tốt các chính sách về thu hút du khách và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn khó khăn này.

Tổn thất nặng nề

Dịch Covid -19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vì thế các lĩnh vực kinh tế, trong đó có du lịch bị tác động ngày càng rõ nét. Kết quả khảo sát từ TAB cho thấy, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành du lịch

Dịch Covid-19 tác động nặng nề tới ngành du lịch

Đặc biệt ở Cam Ranh, Nha Trang, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%; các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách bị hủy đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai hủy tới 70%. Các thị trường tốt nhất tại thời điểm này chủ yếu là Anh, châu Âu và Úc, với mức sụt giảm đặt buồng ở mức 20%, trong khi thị trường Mỹ giảm 40% và Nga giảm 50%.

Đối với các công ty quản lý điểm đến và DN lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hạ Long, lượng khách giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm) thiệt hại nặng nhất, do nhiều công ty quốc tế lớn nghiêm cấm cán bộ, nhân viên đi nước ngoài.

Các hãng hàng không Việt Nam cũng bị thiệt hại rất nặng, vì các chuyến bay đến Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan bị hủy hoàn toàn hoặc bị hạn chế đáng kể, với mức sụt giảm khoảng 50% đối với số lượng đặt chỗ chuyến bay quốc tế khu vực và 40% đối với đặt chỗ chuyến bay nội địa.

Các chợ lớn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác kinh doanh giảm tới 50% vì không còn khách Trung Quốc, trong khi khách Hàn Quốc, Nhật Bản rất vắng.

TAB nhận định, dịch Covid-19 đang tác động nặng nề tới ngành du lịch Việt Nam.

Cần giải pháp kịp thời

Để định hướng cho ngành du lịch, TAB đưa ra 4 kịch bản. Cụ thể, với tình hình không quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát được và tình hình tương đối nghiêm trọng thì khuyến cáo khách du lịch lưu ý khi đến những vùng có dịch. Còn với tình hình nghiêm trọng (số ca nhiễm bệnh được xác nhận nằm trong khoảng 20 - 1.000 người) và rất nghiêm trọng (số ca nhiễm bệnh được xác nhận quá 1.000 người) thì đóng cửa tất cả các điểm du lịch; khuyến cáo cấm khách du lịch đến các vùng bị dịch và hạn chế khách du lịch đến các vùng khác.

Ngoài ra, theo TAB, Chính phủ cần phân kỳ và có hành động khuyến cáo cho ngành du lịch, như: Từ nay đến khi Việt Nam công bố ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19 thì cần truyền thông rõ ràng tới các thị trường nguồn; tập trung hỗ trợ DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Tiếp đến, khi Việt Nam ngăn chặn được dịch và đến khi cả thế giới hết dịch thì tập trung xúc tiến quảng bá cho thị trường nội địa và thị trường đường dài. Sau khi toàn cầu hết dịch và Trung Quốc công bố ngăn chặn được dịch cần tung công suất và đẩy mạnh các chương trình quảng bá tại Trung Quốc, Đông Nam Á, tiếp tục quảng bá ở thị trường nội địa và thị trường đường dài.

TAB đề xuất, hiện tại Việt Nam cần áp dụng càng sớm càng tốt chính sách miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định nhất là châu Âu, Úc, New Zealand và Canada. Bên cạnh đó, nên giảm ngay thuế giá trị gia tăng du lịch từ 10% xuống 5%; cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng mà không bị phạt…

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/som-ho-tro-kip-thoi-cho-du-lich-133041.html