Sớm giải quyết dứt điểm việc xử lý rác ở Đức Phổ, Quảng Ngãi

Hơn một tuần qua, hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) liên tục dùng chướng ngại vật ngăn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, khiến hoạt động thu gom rác trên địa bàn huyện Đức Phổ hoàn toàn ngưng trệ, rác thải tràn lan khắp huyện.

Một số thùng đựng rác của Công ty MD bị người dân đốt cháy gây thiệt hại lớn.

Để tìm hướng giải quyết, sáng 7-8, UBND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh. Hàng chục ý kiến của nhân dân đã được lãnh đạo huyện lắng nghe, ghi nhận và trực tiếp giải đáp.

Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: Khi xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ không lấy ý kiến người dân địa phương; vị trí xây dựng quá gần khu dân cư, không bảo đảm quy định pháp luật (chỉ cách khoảng 600 m); rác thải từ địa phương khác như thành phố Quảng Ngãi và từ tỉnh Bình Định về nhà máy để xử lý, khiến lượng rác dồn tăng đột biến.

Rác tồn đọng đầy các tuyến đường ở huyện Đức Phổ.

Mùi hôi thối, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, nước rỉ từ rác thải chảy ra môi trường là sông suối đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân thôn La Vân, xã Phổ Thạnh. Nhà máy đặt ở nơi đầu nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm sinh hoạt của dân. Ngoài ra, bể nước thải của nhà máy chưa hoàn thiện nhưng đã đi vào hoạt động; lượng rác thải đã chôn lấp trước đây nay được nhà máy đào lên để xử lý mùi hôi thối...

Bà Lưu Thị Thái, người dân thôn Thạch Bi 1 nói: Bãi rác ban đầu chỉ đủ chứa rác của người dân trong xã Phổ Thạnh, nay trở thành bãi rác chung của cả huyện, lại thêm rác từ địa phương khác thì cần xem lại quy hoạch và nên di dời đến đi điểm khác xa khu dân cư. Đồng thời, quy trình xử lý rác cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng huyện, tỉnh và người dân địa phương.

Bà Lưu Thị Thái, người dân thôn Thạch Bi 1: Việc kiểm tra, giám sát xử lý rác thải cần có đại diện nhân dân.

Ghi nhận ý kiến của nhân dân, ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: Việc người dân cho rằng khi xây dựng Nhà máy không lấy ý kiến người dân địa phương là không đúng. Theo văn bản ngày 26-5-2016, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó có đại diện chính quyền địa phương, hội đoàn thể, trưởng các thôn, đại diện người dân thôn La Vân - nơi đặt nhà máy. Tuy nhiên, có thể trưởng thôn chưa truyền đạt cụ thể đến người dân chủ trương nên gây ra hiểu nhầm. Ông Trinh đã nhận thiếu sót và xin lỗi người dân.

Giải thích quá trình hình thành Nhà máy xử lý rác thải tại thôn La Vân, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bãi xử lý rác tại thôn La Vân hình thành vào năm 2007, với diện tích 15.708 m2, trong đó diện tích đào hố để chứa rảc thải là 9.660 m2, diện tích bể lắng là 2.515 m2, phần còn lại là đất giao thông; xử lý rảc thải bằng hình thức chôn lấp.

Ban đầu, bãi rác chỉ xử lý rác thải sinh hoạt của xã Phổ Thạnh. Đến năm 2009, bãi xử lý rác thải của thị trấn Đức Phổ bị ô nhiễm, phải đóng cửa, từ đó, toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Phổ được thu gom, vận chuyển về bãi xử lý rác phía nam huyện Đức Phổ, tại xã Phổ Thạnh.

Bãi rác xử lý bằng chôn lấp không bảo đảm môi trường, vì vậy UBND huyện kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng Nhà máy bằng công nghệ tiên tiến hơn để xử lý triệt để rác thải.

Năm 2016, Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD được UBND tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, cho thuê đất thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Đức Phố. Diện tích đất Công ty MD được UBND tỉnh cho thuê là 20.226 m2, bao gồm cả diện tích bãi xử lý rác hiện có (15.708 m2) và phần diện tích mở rộng thêm.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Diệu thông tin, hằng năm huyện đều mời một đơn vị có tư cách pháp nhân, độc lập về phân tích, quan trắc không khí, nước ngầm tại những vị trí liên quan đến Nhà máy. Mẫu nước, không khí tại hai gia đình gần nhà máy được lấy để phân tích đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn cho phép.

Nhà máy rác tại thôn La Vân không gây ô nhiễm bởi xử lý rác theo hình thức đốt, đây là cách xử lý tốt, có lợi cho môi trường. Ngoài ra, Nhà máy có công suất xử lý 50 tấn/ngày-đêm nhưng hiện nay lượng rác của toàn huyện Đức Phổ chỉ khoảng 25 tấn/ngày-đêm nên Nhà máy chưa hoạt động hết công suất. Việc ô nhiễm có thể do số rác cũ chôn lấp trước kia tại vị trí Nhà máy mới đang hoạt động.

Khoảng cách từ Nhà máy đến khu dân cư theo đúng quy định, bởi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ được xây dựng trên vị trí bãi rác cũ nên theo quy định chỉ cần cách khu dân cư tối thiểu 500 m.

Kết luận buổi đối thoại, ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ yêu cầu các cơ quan chức năng của huyện tiếp thu, ghi nhận ý kiến của người dân cũng như ý kiến giải trình của đại diện cơ quan liên quan. Ông khẳng định, việc đặt Nhà máy là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước nên không thể di dời.

Huyện cũng đã có văn bản xin UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép đào số rác đã chôn lấp trước khi có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ để xử lý bằng phương pháp đốt, quá trình đào các hố rác cũ làm mùi hôi thối bốc lên, ảnh hưởng đến người dân.

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ mong người dân thông cảm, chia sẻ; đồng thời cho biết huyện đang đầu tư hồ chứa nước, cấp nước tưới cho một số cánh đồng của địa phương cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân Phổ Thạnh, để người dân không phải sử dụng nước ngầm sinh hoạt như hiện nay.

Lãnh đạo huyện Đức Phổ đề nghị chính quyền xã, thôn, cơ quan chức năng cua huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và không chặn xe chở rác; phân loại đối tượng cầm đầu quá khích, vận động người dân tụ tập gây rối, có biện pháp xử lý; nhanh chóng đưa Nhà máy hoạt động trở lại, không để tình trạng rác thải ùn ứ như hiện nay.

Tuy nhiên, ngay sau khi buổi đối thoại kết thúc, người dân không đồng ý với kết luận của lãnh đạo địa phương nên đã tụ tập ở trụ sở UBND xã Phổ Thạnh, sau đó kéo ra quốc lộ 1A đoạn qua xã Phổ Thạnh, gây ách tắc giao thông. Lực lượng chức năng đã vào cuộc phân luồng giao thông, tránh ùn tắc. Đến 12 giờ cùng ngày người dân bắt đầu giải tán.

Việc người dân tụ tập, ngăn chặn xe chở rác vào nhà máy trước hết xuất phát từ quá trình xử lý rác bằng hình thức chôn lấp trước đây, gây ô nhiễm môi trường. Việc đào lên để xử lý số rác thải đó không được thông báo kịp thời, cụ thể đến người dân, khiến người dân hiểu nhầm và nghi ngờ khi thấy lượng rác bỗng nhiên quá nhiều trong khu vực nhà máy.

Trước tình hình đó, cơ quan chức năng huyện Đức Phổ và tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường điều tra, ngăn chặn một vài phần tử quá khích, kích động gây rối, đốt thùng đựng rác của doanh nghiệp thu gom, xử lý rác, làm phức tạp thêm tình hình tại xã Phổ Thạnh trong những ngày qua.

TÙNG THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37252602-som-giai-quyet-dut-diem-viec-xu-ly-rac-o-duc-pho-quang-ngai.html