Sớm giải quyết chế độ 'chất độc hóa học' cho cựu chiến binh

Mặc dù từng có thời gian đi B chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, các con sinh ra bị chứng 'đầu nhỏ', được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nhưng đến nay ông Phạm Văn Hào (SN 1956, trú thôn 1/5, xã Cảm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa được hưởng chế độ 'chất độc hóa học' bởi lý do lệch… tuổi hồ sơ.

Người con gái đầu và con gái út của gia đình ông Hào và bà Quý mang dị tật “đầu nhỏ”.

Người con gái đầu và con gái út của gia đình ông Hào và bà Quý mang dị tật “đầu nhỏ”.

NDĐT - Mặc dù từng có thời gian đi B chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, các con sinh ra bị chứng “đầu nhỏ”, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nhưng đến nay ông Phạm Văn Hào (SN 1956, trú thôn 1/5, xã Cảm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa được hưởng chế độ “chất độc hóa học” bởi lý do lệch… tuổi hồ sơ.

Tháng 5-1972, giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mặc dù chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng ông Phạm Văn Hào (trú thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn xung phong đi bộ đội. Ông Hào cho biết, sau một thời gian ngắn huấn luyện, tháng 7-1972, ông được biên chế vào đơn vị pháo binh thuộc Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 84, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đi B tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.

Đến tháng 10-1975, ông Hào được xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, ông Hào được gọi “tái ngũ” nhưng không lâu sau đó, ông trở về địa phương.

Năm 1992, ông Hào lên huyện Anh Sơn lập nghiệp và cưới bà Nguyễn Thị Quý (SN 1973) vào năm 1996. Một năm sau, bà Quý sinh được người con đặt tên là Phạm Thị Hà A. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi đứa con gái đầu lòng của gia đình ông mắc chứng “đầu nhỏ”. Từ đó đến nay, Hà A. không thể làm được việc gì phụ giúp gia đình, ngược lại, bố mẹ và người thân luôn phải trông nom em.

Năm 2002, vợ ông Hào sinh đôi hai con gái. Tuy hai cháu sinh ra lành lặn, nhưng cháu Phạm Thị H. vẫn có những biểu hiện khù khờ, không nhanh nhẹn như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Nỗi khốn khổ của vợ chồng ông Hào chưa dừng lại, nó tiếp tục đeo đẳng đến đứa con gái út sinh năm 2012. Từ khi sinh ra, cháu Phạm Thị N. tiếp tục mang chứng “đầu nhỏ” như người chị cả, nhận thức và hành vi không bình thường. Hôm chúng tôi đến nhà, cháu N. vẫn đang ở lớp mẫu giáo, ông Hào đến trường xin cho cháu về, nhìn đôi mắt đờ đẫn, ngây dại của cháu, chúng tôi không khỏi chạnh lòng!

Ông Hào cho biết, hiện tại hai con gái Phạm Thị Hà A. và Phạm Thị N. đang được hưởng chế độ “bảo trợ xã hội” với các mức lần lượt là 400.000 đồng/tháng và 600.000 đồng/tháng. Nuôi bốn đứa con, trong đó có hai đứa ngây ngô, khờ dại quả là một gánh nặng đối một gia đình làm nông như gia đình ông Hào. Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng tranh thủ thời gian nông nhàn, ông Hào vẫn phải đi đào giếng thuê hết sức nhọc nhằn, nguy hiểm để có thêm thu nhập nuôi các con.

Chỉ vào căn nhà xây táp-lô, ông Hào cho biết thêm: “Căn nhà ni là tự tay tui làm; từ đống gạch táp-lô, làm móng… đến xây nhà để có chỗ vợ con chui ra, chui vào cho đỡ cực”.

Nhìn trong căn nhà ấy, chúng tôi không thấy có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ dựng giữa sân, đó là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình này! Đợt vừa rồi, bà Quý được người quen giới thiệu ra Hà Nội làm giúp việc, kiếm thêm tiền chu cấp cho các con ăn học, mọi công việc ở nhà gần như một tay ông Hào gánh vác.

Dù hoàn cảnh như vậy, những đứa con có biểu hiện bị nhiễm chất độc da cam từ bố đẻ, thế nhưng đến nay, ông Hào và các con chưa được hưởng bất cứ chính sách nào dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học hay các chính sách khác của người có công với cách mạng. Ông Hào cho biết thêm, một trận lụt lớn ở Diễn Châu đã làm hư hỏng toàn bộ giấy tờ của ông khi xuất ngũ, do vậy khi có chủ trương làm chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học, ông không có cách nào làm được!

Gần đây, nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Hào về đơn vị cũ và đã xin được giấy xác nhận và các hồ sơ liên quan. Nhưng khi trình lên các cấp thì bị lệch năm sinh so với giấy tờ gốc nên hồ sơ bị trả về. Ông Hào buồn bã lý giải: “Năm sinh chính thức của tôi là 1956, thế nhưng vào năm 1972, khi mới 16 tuổi vừa lúc có đợt nhập ngũ, tôi đi bộ đội thay anh trai nên phải khai sinh tăng thêm hai năm để đủ 18 tuổi. Do vậy, toàn bộ giấy tờ gốc của tôi đều có năm sinh là 1956 nhưng hồ sơ trong đơn vị quân đội, tôi đều có năm sinh là 1954”.

Trao đổi về việc trên với chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH huyện Anh Sơn, được biết, đơn vị cũng đã gửi hồ sơ làm chế độ chất độc hóa học cho ông Hào nhưng bị trả về, do bị lệch năm sinh.

Tại Giấy xác nhận số 78/GXN của Sư đoàn 325 do Thượng tá Nguyễn Khắc Thơm, Tham mưu trưởng ký vào ngày 3-7-2017, xác nhận, thời gian công tác trong quân đội của ông Phạm Văn Hào như sau: Ông Phạm Văn Hào (SN 1954), Nhập ngũ tháng 5-1972; Xuất ngũ tháng 10-1975; Cấp bậc: Binh nhì; Chức vụ: Chiến sĩ; Đơn vị: Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2; Tổng thời gian công tác là 3 năm, 5 tháng.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30-6-2016, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH “Hướng dẫn giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật, có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người kháng chiến và con đẻ của họ”. Theo đó, có 17 danh mục bệnh, dị tật, dị dạng, có liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có “các dị tật, dị dạng bẩm sinh”, bao gồm Tật đầu nhỏ (Mycroencephaly).

Qua lời trình bày của ông Phạm Văn Hào, đối chiếu giấy xác nhận đơn vị quân đội trong thời gian nhập ngũ và thực tế bệnh tật các con ông Hào, chúng tôi thấy rằng, nguyện vọng làm hồ sơ để được hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học cho bản thân và các con ông Hào là hoàn toàn có cơ sở.

Tuy nhiên, bởi lý do khách quan, năm sinh trong hồ sơ quân đội bị sai lệch so với năm sinh trên giấy tờ ở nơi sinh nên đến nay, ông Hào và các con ông chưa được hưởng các chính sách và quyền lợi đối với người bị nhiễm chất độc hóa học, đó là một thiệt thòi rất lớn.

Thiết nghĩ, các ngành, các cấp liên quan xem xét, sớm hướng dẫn giúp đỡ để ông Hào và các con bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng các quyền lợi chính đáng của Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng.

Xác nhận của Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 về thời gian công tác của ông Phạm Văn Hào trong quân đội.

THÀNH CHÂU - ĐỨC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40413102-som-giai-quyet-che-do-chat-doc-hoa-hoc-cho-cuu-chien-binh.html