Sớm giải quyết các bất cập trong phát triển du lịch cộng đồng ở Quảng Bình

Nhiều bạn đọc phản ánh, gần đây, hàng loạt mô hình du lịch cộng đồng (homestay) được xây dựng tại khu vực Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ðáng nói là do những bất cập, hạn chế như thiếu vốn, chưa có kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch cho nên nhiều homestay kinh doanh thua lỗ và dễ phát sinh hệ lụy khác ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh.

Nhiều homestay ở Quảng Bình được đầu tư bài bản, thu hút du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Nhiều homestay ở Quảng Bình được đầu tư bài bản, thu hút du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm.

Nhiều bạn đọc phản ánh, gần đây, hàng loạt mô hình du lịch cộng đồng (homestay) được xây dựng tại khu vực Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Ðáng nói là do những bất cập, hạn chế như thiếu vốn, chưa có kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch cho nên nhiều homestay kinh doanh thua lỗ và dễ phát sinh hệ lụy khác ảnh hưởng đến ngành du lịch của tỉnh.

Đua nhau làm homestay

Cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Quảng Bình trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng thật sự đã trở thành một loại hình du lịch mới thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế đến với Quảng Bình. Không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực mà homestay còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu trước đây, nhiều người ở các xã Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch của huyện Bố Trạch sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng thì nay đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng là mô hình tự phát, xuất phát từ thực tế nhu cầu của khách du lịch khi đến với một vùng đất cho nên dù mở homestay song người dân phần lớn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Anh T, chủ khách sạn ST ở xã Sơn Trạch cho biết, để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách đến tham quan di sản Phong Nha, vợ chồng anh đã vay vốn xây dựng khách sạn với 10 phòng nghỉ. Dù được đầu tư khang trang nhưng lượng khách đến lưu trú vẫn còn ít, thu không đủ chi và trả lãi vay ngân hàng. Anh M, chủ một homestay ở Phong Nha chia sẻ, thấy người ta làm du lịch cộng đồng hút được nhiều khách, gia đình anh cũng vay ngân hàng 300 triệu đồng để cải tạo phần đất sau vườn, làm các nhà gỗ, trang trí khuôn viên, cảnh quan để làm homestay. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về du lịch và ngoại ngữ cho nên lượng khách rất hạn chế, nguồn thu bấp bênh. Anh M cho biết thêm, ở xã Sơn Trạch, nhiều mô hình homestay hiện cũng lâm vào tình trạng “giữ không được mà bỏ cũng không xong” vì đang nợ nần. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch Nguyễn Nam Trung, hiện trên địa bàn có 53 homestay, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2017. Trong khi đó, số cơ sở hoạt động hiệu quả còn ít; ngược lại, nhiều cơ sở gặp khó khăn trong kinh doanh, nhất là những tháng du lịch thấp điểm. Việc tăng trưởng “nóng” số lượng homestay tại Phong Nha là do thiếu sự định hướng. Hai năm trước, UBND huyện Bố Trạch quyết định hỗ trợ một cơ sở homestay xây mới 15 triệu đồng song trước đà phát triển nhanh và thiếu kiểm soát gần đây, chính sách hỗ trợ này bị tạm dừng.

Qua tìm hiểu được biết, chính vì thiếu khách cho nên một số chủ homestay và khách sạn, nhà nghỉ tại khu vực Phong Nha đưa ra nhiều chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh như hạ thấp giá phòng lưu trú, tăng chiết khấu cho người môi giới tìm khách, chèo kéo khách, nói xấu chất lượng của nhau… Điều đó phần nào ảnh hưởng đến môi trường du lịch tại di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Mặt khác, công tác quản lý giá đối với các cơ sở dịch vụ này còn lỏng lẻo và chưa thống nhất. Tại Quảng Bình hiện cũng chưa có quy định về không gian, diện tích đất các khu, tuyến du lịch cộng đồng cụ thể. Vì thế, một số hộ đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang kinh doanh sai quy định hoặc chiếm dụng hành lang đường để kinh doanh homestay gây nên tình trạng lộn xộn, chưa tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh.

Cần hướng đi có bài bản

Du lịch cộng đồng ra đời tại Quảng Bình đã gần 10 năm song mới phát triển rầm rộ trong khoảng ba năm gần đây. Tại các xã nghèo khu vực Phong Nha, mô hình du lịch cộng đồng đã mở ra sinh kế mới, bền vững ngay trên mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch. Đặc biệt, nhiều người được xem là “lâm tặc” một thời nay đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng khi họ trở thành chủ của các homestay. Một số nông sản địa phương trước đây khó tiêu thụ thì nay nhờ các homestay mà thành hàng đặc sản. Vì thế số lượng homestay ngày càng tăng nhanh với đủ kiểu cách, chủng loại và phân bố từ trung tâm du lịch Phong Nha đến các thôn, xóm, khe suối. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có đánh giá, sơ kết về mô hình du lịch cộng đồng để trên cơ sở đó phát huy mặt mạnh, khắc phục những hạn chế của loại hình du lịch mang tính quần chúng này. Điều quan trọng là qua đó để tuyên truyền, khuyến cáo người dân những điều cần thiết khi đầu tư mô hình homestay. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua me đất - Oxalis Nguyễn Châu Á cho rằng, để mô hình du lịch cộng đồng phát triển tự phát trong thời gian dài như vậy dễ gây ra nhiều hệ lụy đến ngành du lịch của tỉnh. Thực tế là có mô hình làm ăn không hiệu quả, nguy cơ vỡ nợ. Vì thế, ngành du lịch và chính quyền địa phương cần sớm có định hướng và thậm chí là quy định để người dân tuân thủ chứ không thể để họ tự bơi hoặc làm du lịch theo kiểu “làm theo” được.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Lê Thế Lực, để mô hình du lịch này phát triển một cách bền vững, tránh tình trạng phát triển tự phát, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhân dân thì cần có các quy hoạch, định hướng cụ thể, cùng với đó là lựa chọn khu vực trọng điểm để ưu tiên đầu tư về hạ tầng giúp cho du lịch cộng đồng phát triển. Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của ngành du lịch, cần có sự tham gia của các ngành khác như y tế, công an nhằm hướng dẫn cho mô hình du lịch này đi đúng hướng và giải quyết các bất cập, hạn chế hiện nay.

"Ðề nghị cấp có thẩm quyền quản lý chặt ngay từ khâu thẩm định cấp phép cũng như khi hoạt động của các homestay, cần ban hành tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú homestay để trên cơ sở đó quản lý và hướng dẫn hoạt động".

Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch

"Bên cạnh một số homestay hoạt động có tính chuyên nghiệp và bài bản thì nhìn chung, sự phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Bình chủ yếu mang tính tự phát. Nhiều người đổ vốn xây cơ sở lưu trú nhưng thiếu kiến thức du lịch cho nên rất khó bảo đảm chất lượng, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả".

Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình

Bài và ảnh: Hương Giang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/39771602-som-giai-quyet-cac-bat-cap-trong-phat-trien-du-lich-cong-dong-o-quang-binh.html