Sớm đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm thể chế quan điểm của Đảng, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG); bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (KVBG). Để sớm đưa Luật BPVN vào cuộc sống, góp phần xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc BGQG trong tình hình mới, các cơ quan chức năng cần khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn để thi hành Luật BPVN.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với dân quân và nhân dân tuần tra bảo vệ BGQG. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh phối hợp với dân quân và nhân dân tuần tra bảo vệ BGQG. Ảnh: CTV

Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nhất là KVBG vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn luôn tìm mọi cách tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại... diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... ngày càng gia tăng.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG, nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt, là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG.

Luật BPVN ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng đã đề ra và bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đầy đủ, toàn diện về lĩnh vực biên phòng, bao gồm các nhiệm vụ biên phòng, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP; chính sách của Nhà nước về biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng...

Như vậy, với hệ thống pháp lý đồng bộ, Luật BPVN khi có hiệu lực sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân trong bảo vệ BGQG, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu trong tình hình mới.

Đồng thời, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân; thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; đàm phán, thương lượng và giải quyết các vấn đề về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật...

Để sớm đưa Luật BPVN vào thực tiễn cuộc sống, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai một số nội dung cơ bản sau:

Một là, Bộ Tư lệnh BĐBP cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở KVBG hiểu rõ một số nội dung cơ bản của Luật BPVN và các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG.

Chủ động xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BPVN, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương trong xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố cơ sở chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở KVBG...

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hai là, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có BGQG thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về biên phòng, BGQG; chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền, mà nòng cốt là BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt các quy định của Luật BPVN và các quy chế KVBG đất liền, KVBG biển, các hiệp định, hiệp nghị đã ký kết với các nước có chung đường biên giới và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, một số bộ phận tiến thẳng lên hiện đại đủ sức làm nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG.

Ba là, Bộ Công an, ngoài việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân ở KVBG và quản lý Nhà nước về xuất, nhập cảnh theo thẩm quyền, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương có BGQG làm tốt công tác đảm bảo, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực thi pháp luật ở KVBG một cách có hiệu quả nhất.

Bốn là, Bộ Ngoại giao phát huy vai trò chủ trì giúp Chính phủ xác định BGQG, xác định phạm vi chủ quyền, các quyền của nước ta trên đất liền, trên biển, trên không và các hải đảo, thềm lục địa của Việt Nam. Thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động đối ngoại biên phòng; hướng dẫn nghiệp vụ đối ngoại biên phòng cho các lực lượng nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh nơi có BGQG thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về BGQG.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai tuần tra chung với Chi đội Công an Biên phòng châu Hồng Hà, Công an Biên phòng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: CTV

Năm là, các bộ, ngành, cơ quan khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý Nhà nước về biên phòng.

Cấp ủy, HĐND, UBND các địa phương nơi có BGQG quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Luật BPVN, nhất là công tác quản lý Nhà nước về biên phòng; quyết định và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp, huy động các nguồn lực bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, bảo đảm ngân sách; các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ biên phòng ở địa phương.

Sáu là, mỗi công dân, tùy thuộc vào vị trí công tác, điều kiện của mình, có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BGQG, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG. Riêng đối với công dân ở KVBG có thêm trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/som-dua-luat-bien-phong-viet-nam-vao-cuoc-song-post435789.html