Sớm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân cư, dân số lớn nhất cả nước. Với sự phát triển năng động, quy mô sản xuất lớn giúp thành phố có những bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là thành phố vẫn tồn tại hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tác động xấu đến môi trường đan cài trong các khu dân cư. Một vấn đề cần báo động là trong khi nỗ lực di dời các cơ sở này của chính quyền thành phố chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn thì tại nhiều khu vực dân cư, các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục mọc lên gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân cư, dân số lớn nhất cả nước. Với sự phát triển năng động, quy mô sản xuất lớn giúp thành phố có những bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là thành phố vẫn tồn tại hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tác động xấu đến môi trường đan cài trong các khu dân cư. Một vấn đề cần báo động là trong khi nỗ lực di dời các cơ sở này của chính quyền thành phố chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn thì tại nhiều khu vực dân cư, các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục mọc lên gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tại các địa bàn như quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh,… số lượng các cơ sở sản xuất manh mún theo hộ gia đình vừa ở vừa kết hợp sản xuất chiếm số lượng rất lớn. Nhiều cơ sở sản xuất hằng ngày gây ô nhiễm về không khí, nguồn nước, gây tiếng ồn quá mức dù người dân chung quanh đã nhiều lần kiến nghị địa phương có giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Đơn cử, tại huyện Bình Chánh hiện có khoảng 3.500 cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư. Mặc dù hằng năm địa phương có thực hiện các giải pháp về xử phạt, yêu cầu di dời nhưng số lượng các cơ sở thực hiện nghiêm túc chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho rằng, việc đơn giản hóa trong đăng ký và cấp phép kinh doanh đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng dẫn đến một hệ lụy là dễ hình thành mới cơ sở ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, công tác hậu kiểm với cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện chặt chẽ. Trong khi đó, các cơ sở vi phạm ngày càng tinh vi, có hành vi đối phó như hoạt động vào ban đêm, không chấp hành quyết định xử phạt, tự ý xé niêm phong, lợi dụng kẽ hở thay đổi tên doanh nghiệp, thuê địa điểm khác...

Để tình trạng gây bức xúc này sớm được giải quyết, thành phố cần có giải pháp đồng bộ và kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật về đình chỉ hoạt động, cưỡng chế di dời sao cho đủ sức răn đe. Đồng thời, tăng cường giám sát và vận động người dân tham gia giám sát, khoanh vùng nhằm sớm phát hiện cơ sở gây ô nhiễm. Đối với các cơ quan chức năng, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm, cần tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng liên quan, trong đó có địa phương nơi cơ sở đăng ký địa điểm hoạt động. Thành phố cũng cần công khai rõ danh sách cơ sở gây ô nhiễm và tùy mức độ vi phạm để tính tới biện pháp rút giấy đăng ký kinh doanh, hoặc có các biện pháp tiếp theo. Đối với các địa phương, cần tăng cường các giải pháp kiểm tra vừa thường xuyên, vừa đột xuất để công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả. Đối với các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính để di dời nhưng nếu có mong muốn thay đổi thiết bị công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các cấp chính quyền thành phố cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở này thực hiện nghiêm theo quy định.

XUÂN PHÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43744602-som-di-doi-co-so-san-xuat-gay-o-nhiem-trong-khu-dan-cu.html