Sớm có cơ chế quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Công tác quản lý thuế trong kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và một số vụ việc do lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường đang xử lý đã hâm nóng buổi Họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý 3, triển khai nhiệm vụ quý 4/2020, do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức tổ chức sáng nay 20/10.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Q.H

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Q.H

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của các phóng viên báo, đài trên địa bàn TP Hà Nội.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cùng đại diện Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục Quản lý thị trường tham gia trả lời câu hỏi của phóng viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác quản lý thuế qua loại hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết, tình hình kinh doanh TMĐT diễn biến phức tạp, phù hợp với xu hướng trên thế giới. Đại dịch Covid-19 cũng hình thành thói quen mua bán hàng qua lĩnh vực TMĐT.

Ông Vũ Mạnh Cường cho rằng, muốn thu thuế qua hoạt động TMĐT, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp .

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý. Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã quy định nhiệm vụ, chức năng, công tác phối hợp giữa các bộ, ban ngành, trong đó quy định nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp cung cấp, chuyển dữ liệu thông tin và biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh qua mạng cho cơ quan Thuế.

Thứ hai, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp toàn bộ dữ liệu mua bán hàng khi được cơ quan Thuế yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý thuế đối với kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.

Trong đó, hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế điện tử, từng bước tiến tới thanh tra, kiểm tra thuế điện tử.

Ông Vũ Mạnh Cường trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Q.H

Cán bộ Thuế thông qua Cổng thông tin điện từ giao tiếp với người nộp thuế và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Để làm được điều này, cơ quan Thuế cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng; sự phối hợp với các đơn vị tuyền thông để tạo thành thói quen về nghĩa vụ nộp thuế của từng người dân.

Trong thời gian qua, hoạt động TMĐT chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, 2 địa bàn có nền công nghệ thông tin phát triển.

Tổng cục Thuế đã tuyên truyền cho người nộp thuế. Từ năm 2017 đến nay, cơ quan Thuế đã nhắn hàng chục nghìn tin nhắn tới từng người nộp thuế; yêu cầu 45 ngân hàng cung cấp dữ liệu thông tin để phục vụ công tác quản lý thuế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ kiểm tra 100 xe hàng tại Lào Cai, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu và Văn phòng Thường trực 389 quốc gia chủ trì phối hợp với Cục C03, Bộ Công an, lực lượng Biên phòng tiến hành kiểm tra 100 phương tiện vận tải hàng hóa tại cửa khẩu Kim Thành đã quá hạn làm thủ tục hải quan. Kết quả khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa trong 100 phương tiện, tương đương với hàng hóa đóng trong 200 container 40 feet.

Hàng hóa vi phạm gồm hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, quần áo đã qua sử dụng, thuốc bắc, thuốc trừ sâu, đồ điện tử đã qua sử dụng.

Toàn bộ hàng hóa vi phạm, lực lượng chức năng đang chờ kết quả giám định của cơ quan chuyên môn để xử lý theo quy định.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/som-co-co-che-quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-135445.html