Sớm chấm dứt đổ rác sai quy định

Trong khi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và đơn vị môi trường nỗ lực xóa các điểm đen tập kết rác thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp thì một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Thực trạng này rất cần có giải pháp xử lý để sớm chấm dứt.

Công nhân Hợp tác xã Thành Công thu dọn rác trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Ảnh: Ngân Thùy

Còn nhiều vi phạm

Khảo sát ngày 16-12-2020, phóng viên Báo Hànôịmới ghi nhận nhiều địa điểm xuất hiện rác như trước các số nhà 14, 48, 35, 47 phố Nguyễn Khuyến; trước số nhà 100 và 102 phố Tôn Đức Thắng; đầu các ngõ Thịnh Hào 1, Thịnh Hào 2 (quận Đống Đa). Ở quận Thanh Xuân, ngay dưới chân biển tên phố Ngụy Như Kon Tum hay khu vực ngõ 64, ngõ 102 phố Kim Giang cũng xuất hiện rác. Tuyến phố Nguyễn Trãi - Trần Phú (giáp ranh giữa các quận Thanh Xuân, Hà Đông) cũng có nhiều túi rác để không đúng chỗ, đúng giờ quy định. Tình trạng đổ rác sai quy định cũng diễn ra ở khu vực ngoại thành như các xã: Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình (huyện Thường Tín), Cổ Đô, Vạn Thắng (huyện Ba Vì)...

Bà Nguyễn Thị Nga (nhà B6 khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) chỉ đống rác đang án ngữ đầu sân chơi nhà B5, B6 khu tập thể Vĩnh Hồ cho biết, lợi dụng khu vực sân chơi không ở liền kề nhà dân, một số người qua lại, người bán hàng rong mang rác đến đây vứt bỏ. Ngày nào công nhân môi trường cũng đi thu gom, nhưng thu dọn xong lại có thêm rác mới... Lâu ngày, vị trí này trở thành điểm đen gây bức xúc đối với người dân.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), đơn vị phụ trách thu gom rác sinh hoạt tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, từ năm 2019 đến nay, công ty đã tập trung xóa bỏ 85 điểm đen rác thải sinh hoạt và phế thải xây dựng. Tuy nhiên, hiện tại các khu vực đông dân cư, các ngõ nhỏ, chợ "cóc", tình trạng vứt rác không đúng giờ, đúng nơi quy định vẫn xảy ra, do người dân vẫn có thói quen tùy tiện và thiếu ý thức bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Tiến, công nhân Hợp tác xã Thành Công, phụ trách thu gom rác trên phố Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết, nhiều người dân không ở nhà vào khung giờ thu rác nhưng cũng không chịu mang rác đến các thùng đặt ở đầu ngõ, phố mà tiện đâu vứt đấy, khiến công nhân đi gom nhiều lần song vẫn còn rác trên đường phố. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp cho biết thêm, tình trạng tồn đọng rác thải, xả thải không đúng nơi, đúng giờ trên địa bàn huyện là do việc thu gom rác ở ngõ có bề rộng dưới 2m chưa nằm trong nội dung gói thầu.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Điểm đen rác thải đầu sân chơi giữa nhà B5 - B6 khu tập thể Vĩnh Hồ (quận Đống Đa). Ảnh: Ngân Thùy

Để công tác thu gom rác hiệu quả hơn, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp kiến nghị, thành phố nên nâng mức phí thu gom rác thải ở ngoại thành, vì mức giá 3.000 đồng/người/tháng chỉ bằng một nửa mức thu ở nội thành, trong khi việc thu gom rác ở các huyện đòi hỏi công nhân di chuyển xa hơn, địa bàn rộng hơn. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Thảo, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì cho biết, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, địa phương thường xuyên đôn đốc đơn vị thu gom rác thực hiện đúng hợp đồng, không để chân rác tồn đọng. Huyện cũng đã kiến nghị với các sở, ngành chức năng về những khó khăn trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác để được xem xét, giải quyết.

Song, yếu tố quan trọng là ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh và Truyền thông (Công ty Urenco) cho biết, để xóa một điểm đen về rác thải, Công ty Urenco đã thực hiện các công đoạn điều tra, khảo sát, thu dọn rác tồn đọng, đặt máy quay hình ảnh vi phạm để cung cấp cho chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Khi bàn giao điểm đen đã xử lý cho chính quyền địa phương quản lý, đơn vị cũng luôn phối hợp để tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng giờ. Ngoài ra, việc thay thế điểm đen rác bằng bồn hoa, tiểu cảnh, cây nước miễn phí đã được triển khai, bước đầu có tác động tích cực đến ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân.

Ông Đỗ Kỳ Lân, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết: Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang được địa phương thúc đẩy bằng cách kết hợp với cuộc vận động xây dựng tổ dân phố 5 không (không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng). UBND phường đã huy động các gia đình, tổ dân phố, khu dân cư tự lắp đặt camera để xác định người vi phạm. Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND phường tăng cường theo dõi, phát hiện vi phạm qua camera để tiến hành phạt nguội.

Tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, cùng với nỗ lực của đơn vị chức năng và các cấp chính quyền, tin rằng tình trạng đổ rác sai quy định sẽ giảm bớt và sớm chấm dứt, để có một Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/986507/som-cham-dut-do-rac-sai-quy-dinh