Sớm bảo vệ di sản của Thủ đô

Sở VHTT Hà Nội vừa cho hay, trên địa bàn thành phố hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), trong đó 276 di sản được đưa vào diện ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, nhiều di sản thuộc diện ưu tiên bảo vệ khẩn cấp nằm trong hai loại hình ngữ văn dân gian và nghệ thuật trình diễn dân gian. Kết quả kiểm kê nói trên sẽ giúp cả nhà quản lý và cộng đồng hình dung rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc “cứu” di sản Thủ đô.

Nghề rèn Đa Sỹ đang được lựa chọn bảo tồn thí điểm.

Nguy cơ mai một cao

Trước đó việc thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ DSVHPVT Hà Nội được tiến hành từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2015 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đợt kiểm kê này được thực hiện ở 6 loại hình di sản: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

Tín hiệu vui là trong đợt kiểm kê này có 14 di sản Ngữ văn truyền khẩu độc đáo của các dân tộc Kinh, Mường, Dao thuộc 6 quận, huyện được nhận diện và đưa vào danh mục, gồm: Tiếng lóng ở Đa Chất (Phú Xuyên); Truyền thuyết về 4 vị Thành hoàng ở làng Gia Thụy (Long Biên); Hát ru con ở Thọ Lộc (Phúc Thọ); Bài thơ về làng Triều Đông (Thường Tín); Truyền thuyết về vị “Công chúa Thiều Hoa” được thờ ở Cổ Đô (Ba Vì); Bài cúng Ma - cúng giỗ xã Ba Trại (Ba Vì); Kể Hạnh ở thôn La Phẩm, xã Tản Hồng (Ba Vì); Bài cúng - bài ma của người Mường ở xã Vân Hòa (Ba Vì); Cổ tích, dân ca, hát ru của người Mường ở xã Vân Hòa (Ba Vì); Truyền thuyết về bà Hậu Voi ở xã Tân Xã (Thạch Thất)...

Đây là tiền đề, là hình mẫu cho việc phát hiện các di sản trong việc kiểm kê loại hình di sản Ngữ văn dân gian ở các quận, huyện, thị xã khác của Hà Nội trong thời gian tới.

Cùng với đó, ở nghệ thuật trình diễn dân gian, qua kiểm kê có 79 di sản trong tổng số 1.793 di sản. Nhưng cũng giống như những loại hình DSVHPVT khác, di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đang chịu sự tác động không nhỏ của quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa.

Quá trình kiểm kê đã đánh giá thực trạng một số di sản có giá trị nhưng nguy cơ mai một cao vì còn ít người thực hành, cần được bảo vệ khẩn cấp như: Hát trống quân; Trò vật lầu ở làng Thao Chính (huyện Phú Xuyên); Hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng (huyện Chương Mỹ)…

Từ kết quả kiểm kê này, các chuyên gia đã đề xuất 6 di sản thuộc 6 loại hình cần bảo vệ thí điểm dựa trên tiêu chí: đang có nguy cơ mai một cao; đang có nguy cơ bị biến đổi do tác động của vấn đề đô thị hóa hay của nền kinh tế thị trường, nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác bảo vệ DSVHPVT Hà Nội.

Bao gồm: Tiếng lóng Đa Chất (Phú Xuyên), Di sản hát Trống quân (2 huyện Phúc Thọ và Phú Xuyên), bơi chải và hội đình Lưu Xá (Chương Mỹ), Hát và múa Ải Lao (quận Long Biên), Nghề rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông), Tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (xã Ba Vì, huyện Ba Vì).

Đây là các di sản không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền; môi trường sống thay đổi không còn không gian và điều kiện để thực hành.

Nỗ lực lắm mới có thể bảo tồn

Việc kiểm kê DSVHPVT tại Hà Nội là biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản thông qua việc nhận dạng, xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ, duy trì và trao truyền. Dẫu vậy, với DSVHPVT, nhất là ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, khi không gian diễn xướng ngày càng thu hẹp lại thì quá trình bảo tồn càng không dễ dàng.

Bà Lê Hồng Thắng- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, người tham gia sưu tầm, gìn giữ những điệu múa cổ truyền Thăng Long từ rất sớm cho hay, nguy cơ thất truyền múa cổ là có thực.

Đơn cử như việc nhóm nghiên cứu đi khai thác điệu múa Đèn tại chùa Hai Bà Trưng (từ năm 2007), nhưng nghệ nhân truyền dạy múa Đèn đã không còn sinh sống ở Hà Nội, mà đã chuyển vào Nam. Rồi việc phục dựng điệu múa Chén - xưa kia đã từng có ở khu vực Thanh Xuân vào dịp Lễ hội 5 làng Mọc gồm Quan Nhân, Cự Chính, Cự Lộc, Phùng Khoang và Giáp Nhất, cũng trong tình trạng khó khăn tương tự.

Trong khi Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tha thiết khai thác, nhưng chính quyền không nhiệt tình lắm. Lãnh đạo địa phương nơi có điệu múa Chén cổ cho hay, từ năm 1945 đến nay ở làng không còn ai múa điệu này nên không thể tìm được người truyền dựng lại. Vì thế đã qua nhiều năm tổ chức hội làng, nhưng ở cả 5 làng nói trên đều vắng bóng điệu múa Đèn một thời. Thật lấy làm tiếc.

Trường hợp vũ điệu Trống bồng Nhật Tân ở làng hoa Nhật Tân lại khác. Dù trong quá trình đi khai thác, phục dựng, những chuyên gia nghiên cứu múa cổ gặp nhiều thuận lợi, có nghệ nhân tư vấn giúp đỡ, được chính quyền địa phương ủng hộ.

Dẫu vậy từ sau Liên hoan múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2007 đến nay, người làng cho hay điệu múa này đã không hề một lần nào được tái hiện ở hội đình làng nữa. Chưa kể, những nghệ nhân gìn giữ, trao truyền múa cổ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Nếu chỉ sưu tầm để đó mà không mau chóng khai thác, phục dựng lại cũng có ích gì.

Tại hội thảo do Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức nhằm đánh giá lại quá trình 15 năm sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng những điệu múa cổ truyền Thăng Long gần đây, dù đánh giá việc sưu tầm nghiên cứu múa cổ truyền Thăng Long đây là một công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, nhưng các chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ mai một đang hiện hữu của múa cổ truyền, khi đa phần nghệ nhân dân gian đều đã ở tuổi 80, 90.

Và nhiều nhà nghiên cứu có chung quan điểm rằng, tuy chưa thể khôi phục hoàn hảo các điệu múa cổ, nhưng ít nhất, hãy bảo tồn những chất liệu nguyên bản để cho đời sau tiếp tục sự nghiệp này.

Minh Quang

Từ khóa

di sản thủ đô bảo vệ sở vhtt hà nội

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/som-bao-ve-di-san-cua-thu-do/136278