Sớm ban hành luật thu hút đầu tư PPP

Sau hơn một năm soạn thảo và lấy ý kiến các bên liên quan, dự thảo Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Luật Ðầu tư PPP) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Tuy chưa có luật về đầu tư PPP nhưng đến nay, nước ta đã có hơn 300 dự án đầu tư hạ tầng (chủ yếu là giao thông) được đầu tư theo phương thức này với số vốn hơn 1,6 triệu tỷ đồng.

Nhiều dự án đi vào hoạt động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, mặt trái của PPP cũng đã bộc lộ, đỉnh điểm là những phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội đối với các dự án BOT giao thông, gây mất trật tự, an ninh kéo dài tại nhiều trạm thu phí.

Nguyên nhân cơ bản là đến nay chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư theo PPP, dẫn đến xung đột lợi ích gay gắt giữa các bên tham gia. Thậm chí, không ít dự án phải dừng lại vì chưa có đủ căn cứ pháp lý giải quyết triệt để vướng mắc. Quy định cho hoạt động PPP hiện mới chỉ dừng ở cấp nghị định và được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành. Việc ban hành một luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của luật khác trong quá trình áp dụng là yêu cầu cấp bách. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không quốc gia nào có đủ ngân sách để đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho nên phải có cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội và Việt Nam không ngoại lệ. Muốn vậy, cần nghiên cứu thấu đáo để sớm ban hành Luật Ðầu tư PPP, hình thành khung pháp lý ổn định làm căn cứ khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Yêu cầu đặt ra đối với luật là phải bảo đảm hoạt động đầu tư PPP công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế tiêu cực, gây thất thoát tài sản nhà nước và tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ðiểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư PPP là vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Không kể những biến tướng của các dự án BOT giao thông, về cơ bản, cơ chế hiện hành chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng là các nhà đầu tư với rủi ro tiềm ẩn rất lớn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài hơn chục năm qua vẫn đứng ngoài “cuộc chơi” đầu tư hạ tầng giao thông. Ðể hóa giải mâu thuẫn này, Ban soạn thảo trình hai cơ chế bảo đảm của Chính phủ về cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Cụ thể, trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, dự án, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ ở mức 30% doanh thu dự án sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam. Nếu dự án hụt thu so với doanh thu cam kết tại hợp đồng, Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu đó; ngược lại, nếu dự án có doanh thu tốt hơn so mức cam kết, nhà đầu tư chia sẻ với Nhà nước không thấp hơn 50% phần vượt thu. Xét về nguyên tắc kinh doanh, điều khoản này có thể không hợp lý ở hai điểm: thông thường, sẽ không có doanh thu cam kết đối với dự án đầu tư và đã là kinh doanh, nhà đầu tư phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu, không có bù lỗ. Nhưng xét đến đặc thù của phương thức đầu tư PPP rất phức tạp, nhiều rủi ro và phải cam kết dài hạn thì cơ chế chia sẻ rủi ro là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tính khả thi cũng như khả năng huy động vốn cho dự án PPP.

Chỉ khi nhà đầu tư được bảo vệ, dòng vốn xã hội mới chảy.

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42271902-som-ban-hanh-luat-thu-hut-dau-tu-ppp.html