Solskjaer - áp lực có tạo nên kim cương?

Solskjaer đã vượt qua được cửa ải đầu tiên là PSG. Chelsea sẽ là chướng ngại tiếp theo để giới chuyên môn kiểm chứng câu nói: Liệu áp lực có tạo nên kim cương?

Thất bại 1-6 trước Tottenham đã đẩy Ole Gunnar Solskjaer tới rất gần bờ vực bị sa thải. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng số phận, chiến lược gia người Na Uy đã tiếp tục chiến đấu và đang dần vượt qua nghịch cảnh.

Nếu chiến thắng 4-1 trước Newcastle bị chê bai là “bế tắc đến những phút cuối cùng mới may mắn vùng lên” thì thắng lợi 2-1 ngay trên đất Pháp trước PSG đã buộc giới chuyên môn phải nghĩ khác về Solskjaer. Phải chăng áp lực đè nén đã tạo nên một viên kim cương?

 Chiến thắng trước PSG đã buộc giới chuyên môn phải nghĩ khác đi về Ole Gunnar Solskjaer. Ảnh: Givemesport

Chiến thắng trước PSG đã buộc giới chuyên môn phải nghĩ khác đi về Ole Gunnar Solskjaer. Ảnh: Givemesport

Solskjaer không đơn giản

Rất nhiều người cho rằng sự xuất hiện của Chelsea thời điểm này là một vòng lặp của số phận. Mùa trước, Chelsea cũng chính là bài test năng lực vào thời điểm niềm tin dành cho Solskjaer rơi xuống cận đáy.

Trước khi đụng độ "The Blues" vào ngày 18/2, Man United đã trải qua một giai đoạn đáng thất vọng. Họ thua Arsenal, Man City, Liverpool và đỉnh điểm là thất bại 0-2 ngay trên sân Old Trafford trước Burnley. Thời điểm đó, truyền thông bắt đầu nói về chuyện sa thải Solskjaer.

Nhưng chuyến đi tới Stamford Bridge ở vòng 26 đã thay đổi số phận của Solskjaer. Đó là trận đấu mà Man United vắng cả Paul Pogba, Scott McTominay lẫn Marcus Rashford, nhưng chiến thuật cực kỳ hợp lý của Solskjaer đã buộc Chelsea phải giương cờ trắng.

Chiến thắng 2-0 trước Chelsea chính là bắt đầu cho chuỗi 15 trận bất bại liên tiếp của Man United trên tất cả đấu trường - chuỗi trận đã đưa tên tuổi Solskjaer lên cao trở lại sau một thời gian sa sút.

Gặp lại Chelsea ở vòng này, người hâm mộ MU đang kỳ vọng vào một cuộc hồi sinh tương tự.

Năng lực chiến thuật của Solskjaerkhông phải dạng vừa. Ảnh: Getty

Tất nhiên, đẳng cấp không thể được tạo ra bởi duyên số hay sự mê tín. Cũng may, chúng ta đang có những cơ sở thực tế để tin Solskjaer có thể biến nguy nan thành cơ hội.

Chiến thắng 2-1 trước PSG chính là minh chứng cho thấy Solskjaer tuyệt đối không phải một “tay mơ” về chiến thuật. Vào thời điểm M.U công bố đội hình xuất phát trên đất Pháp, rất nhiều chuyên gia trên Twitter đã “ném đá” Solskjaer, khi ông lại dùng cặp McTominay - Fred đá tiền vệ trung tâm và cất Paul Pogba trên ghế dự bị. Ngoài ra, không nhiều người tin tưởng hàng thủ toàn "diễn viên" của Man United có đủ khả năng triển khai sơ đồ 3 trung vệ, vốn đòi hỏi cao từ các cầu thủ phòng ngự.

Tuy nhiên, M.U đã chiến thắng cực kỳ thuyết phục trước PSG. Khi hàng thủ "Quỷ đỏ" cắt mọi nguồn cung cấp bóng cho Neymar, buộc cầu thủ này phải lùi xuống giữa sân nhận bóng, hàng tiền vệ 5 người của Man United lập tức vây bắt Neymar, khiến ngôi sao đắt giá nhất lịch sử bóng đá phải trải qua một ngày thi đấu tệ hại.

Báo chí Pháp thậm chí còn coi lối chơi của Man United hôm 20/10 mới đây là chuẩn mực để đối phó với PSG, đồng thời kêu gọi truyền thông Anh có nhìn nhận khác đi về năng lực chiến thuật của Solskjaer.

Vị tướng được lòng quân

Ngoài năng lực về chiến thuật, cách ứng xử của Solskjaer cũng đang nhận được lời khen từ báo chí. Cách Solskjaer giải quyết những vấn đề nơi hậu trường ở Man United cho thấy tài ngoại giao của ông tương đối linh hoạt chứ không rơi vào trạng thái một màu như một số chiến lược gia tự coi mình là cá tính.

Lấy vụ Mason Greenwood làm ví dụ, "ngựa chứng" này gần đây dính hàng loạt bê bối. Anh bị loại khỏi đội tuyển Anh vì phá vỡ quy tắc phòng chống dịch Covid-19. Trong màu áo Man United, Greenwood bị đích thân HLV Solskjaer cảnh cáo về chuyện tới sân tập muộn.

Nghiêm khắc với học trò, nhưng Solskjaer sẵn sàng "xù lông" với truyền thông khi học trò bị tấn công hội đồng. Ảnh: PA Wire/PA Images.

Nhận thấy lối hành xử của Greenwood có vấn đề, truyền thông bỗng dưng biến anh thành “mục tiêu quốc dân” để tấn công. Tuy nhiên, thay vì chứng kiến cậu học trò còn khá ít tuổi bị báo chí xâu xé, Solskjaer đã ra mặt bảo vệ Greenwood. Trong bài phát biểu mới đây, Solskjaer yêu cầu truyền thông “không biến Greenwood thành mục tiêu”, đồng thời khẳng định chàng tiền đạo này đã học được khá nhiều bài học về kỷ luật.

Solskjaer thậm chí đã nổi cáu khi một phóng viên cố gắng khiêu khích để ông nói xấu Greenwood. “Bất kỳ ai trở thành mục tiêu của truyền thông đều trở nên xấu xí. Tôi cam đoan Greenwood là một cậu bé nghiêm túc với nghề”, Solskjaer nói.

Cách hành xử của Solskjaer khiến nhiều cầu thủ Man United cảm thấy họ được bảo vệ. Khi bạn tôn trọng học trò, bạn cũng được họ tôn trọng. Đó là triết lý cầm quân của Solskjaer và điều này giúp ông luôn có những chiến hữu bên cạnh.

Hans-Dieter Flick không phải chiến lược gia được đánh giá quá cao về chiến thuật hay sự nhạy bén trong đánh trận, nhưng ông này lại có tài ngoại giao cực kỳ thuần thục và nhờ đó, Hansi Flick đã hồi sinh được Bayern.

Liệu Solskjaer có đi được con đường tương tự?

Rashford nói về chiến thuật phòng ngự của MU Marcus Rashford, chủ nhân của bàn ấn định chiến thắng 2-1 cho Manchester United, chia sẻ về lối đá phòng ngự trước PSG ở lượt trận đầu tiên vòng bảng Champions League.

Kiều Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/solskjaer-ap-luc-co-tao-nen-kim-cuong-post1145248.html