Soi vào từng con chữ

Chiều đã tắt nắng, mà đường vẫn hầm hập nóng. Mồ hôi rịn ướt lưng áo, tôi thong thả dắt xe vào đầu con ngõ nhỏ hẹp. Cảm giác đang từ từ tụt xuống cái giếng sâu hun hút. Gió mát lùa ra, nặng mùi bún chả, nem rán, phở… Đi sâu thêm, lòng ngõ rộng dần, hai bên sách báo bày san sát. Tôi nhận ra 'mùi' sách nồng nàn, vừa tươi mới, vừa hoài niệm, khi hỏi thăm nhà cụ đồ ở tận cùng ngõ cụt.

Ánh đèn vừa đủ soi sáng căn phòng treo gần như kín những con chữ cổ ố màu thời gian. Sách xếp chật bức tường, trải từ nóc tủ xuống. Cả không khí cũng đượm màu cổ kính, không gợn chút hơi hướng thị trường. Cụ đồ gập người bên án thư giữa chiếc sập chân quỳ. Thoáng nhìn, tựa tảng đá non bộ đặt dưới tấm hoành phi, cuốn thư tróc sơn. Tôi khẽ lên tiếng, ngỏ lời xin cụ cho chữ về treo. Thong thả đặt bát, tháo cặp kính, cụ ngước nhìn khách lạ, chăm chú như xem tướng. Khẽ hắng giọng, cụ đủng đỉnh bước đến tràng kỷ, chậm rãi tráng ấm, pha trà. Chè ướp hoa cúc, ngan ngát hương, làm đầu óc tỉnh táo sảng khoái. Đôi mắt già ánh lên tươi tắn, cụ mỉm cười bảo, tôi chẳng biết cậu là ai, làm sao cho chữ được. Mà cũng chưa hề bán chữ như ngoài chợ ngày Tết. Chữ thì làm sao đem bán như mớ rau lấy tiền được! Vả lại cậu muốn treo chữ gì? Tôi lúng túng, tùy cụ, con thấy người ta thường chơi nhiều nhất là chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Đức. Còn chữ Tài, chữ Lộc thì con không dám chơi. Bất chợt, cụ đồ đặt chén trà đang uống dở, nghiêm giọng, chớ nói chơi chữ. Với chữ nghĩa thì chẳng một ai dám chơi. Treo chữ trong nhà giống như một tấm gương, để hằng ngày soi vào mà tự rèn mình, dưỡng tâm, hướng thiện. Rót thêm một chén trà đặc, cụ đồ giảng giải tiếp. Thời xưa, các cụ chuộng gốc chứ không chuộng ngọn. Cậu có biết gốc là gì không? Ấy là Tâm, Đức, Nhẫn. Còn Phúc, Lộc, Tài chỉ là ngọn thôi. Ngẫm ra, có Đức thì mới có Phúc và những thứ khác. Đức là vẻ đẹp ẩn sâu, là cội nguồn sinh ra phúc ấm, tài lộc. Cụ đồ tâm sự, đến gần chót đời mới thấm thía lời dạy của người xưa, giống như mưa dầm.

Tôi thầm nghĩ, năm tháng phía trước với mình còn dài dằng dặc, biết đến bao giờ những con chữ kia mới thấm được vào người? Tôi thú thật với cụ: Khó thế, con chẳng biết nên treo chữ nào trong nhà. Cụ cười, bước đến con chữ ánh đen mực nho như chạm khắc sâu vào đá. Rồi cụ cắt nghĩa: đây là chữ Nhẫn, được ghép bởi bộ Đao ở trên đâm thẳng vào chữ Tâm, tức là Tim, ở dưới. Cậu có thấy không, lưỡi đao đâm vào tim mà phải nhẫn nhịn. Thế nên cổ nhân có câu: "Nhất cần thiên hạ vô nan sự. Bách nhẫn gia trung hữu thái hòa". Nôm na là "Một sự cần mẫn thì xã hội không lo chuyện gì xảy ra. Trăm sự nhẫn nhịn thì mọi nhà bình yên, hòa thuận". Tôi viết tặng cậu chữ Nhẫn, ngẫm ra mọi nhà nên treo con chữ ấy mà hằng ngày soi vào.

Gần như nín thở, tôi đứng lặng bên án thư chăm chú nhìn cụ đồ tóc bạc phất phơ, cầm bút lông. Con chữ tươi màu mực đen nhánh, như... chảy ra từ bàn tay mềm mại mà săn chắc.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33241002-soi-vao-tung-con-chu.html