Sôi nổi Lễ hội Sư bà Ngọc nữ Mai Thị Triều

Ngày 24-10, xã Ninh Hải (Tĩnh Gia) đã tổ chức Lễ hội Sư bà Ngọc nữ Đại vương Mai Thị Triều (nơi thờ bà Mai Thị Triều) và kỷ niệm 10 năm xây dựng, tôn tạo đền thờ, lăng mộ bà Mai Thị Triều (2009 - 2019).

Lễ rước kiệu tại lễ hội.

Theo sử sách ghi lại, vào thời Hậu Lê, khi đất nước lâm vào cảnh nội chiến Trịnh - Nguyễn, thêm vào đó nạn trộm cướp hoành hành, khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Thời ấy ở làng Mai, xã Hào Môn, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay là thôn Thống Nhất và thôn Đức Thành, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia) có một tiểu thư khuê các, xinh đẹp là Mai Thị Triều, con gái Thọ phúc công - một vị đại quan thanh liêm chính trực, hết lòng vì dân, vì nước. Đặc biệt ở bà có tấm lòng thương người vô hạn.

Tương truyền, vào kỳ hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, bà đã xin cha đem thóc, gạo của nhà phát cho người dân, cắt bớt ruộng lộc điền chia cho nhà nghèo cày cấy. Bà còn cùng cha ủng hộ lương thực, tiền bạc, thuốc men cho quân đội đánh giặc. Chúa Trịnh Tráng mến tiếng muốn vời bà vào cung, song bà đã xin phép ở lại giúp dân làng. Cảm động trước tấm lòng đó, chúa Trịnh Tráng đã chấp thuận để bà ở lại quê dạy bảo nhân dân cày cấy, trồng trọt, thêu thùa, canh cửi và được dân làng suy tôn là Sư bà.

Tới khi bà qua đời, dân làng thương tiếc, nhớ ơn đã làm sớ tấu lên vua. Vua chiếu phong cho bà là Phúc thần thượng đẳng. Vua còn hạ chỉ cho dân làng xây lăng mộ trên núi Ngọc Nữ, hướng ra biển, thảo mộc tươi tốt quanh năm và khoanh vùng cấm địa rất linh thiêng. Từ đó, về sau các triều vua tiếp tục phong cho Sư bà 12 đạo sắc. Trải qua mấy trăm năm ngôi mộ vẫn nghi ngút khói hương, nhưng đền, miếu đến năm 1975 thì bị hư hỏng nặng.

Để phục vụ cho việc tôn kính thờ cúng, đến năm 2009 dòng họ Mai Đắc đã xây dựng lại miếu, đền và lăng mộ đúng trong khuôn viên của lăng mộ cũ theo đúng thiết kế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng do hậu duệ và người con của dòng họ cùng nhân dân quyên góp. Công trình được thiết kế trên điện dưới mộ với những pho tượng đá, cột đá chạm, khắc tinh tế… Vào các ngày lễ, ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng và những ngày đầu năm mới âm lịch nhân dân ở khắp nơi đều đến lễ cầu may, cầu phúc rất đông.

Các hoạt động trong lễ kỷ niệm và lễ hội năm nay được tổ chức gồm phần hội và phần lễ, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bóng chuyền, cờ tướng, rước kiệu, múa lân, trống hội, đọc chúc ôn lại lịch sử, cuộc đời sự nghiệp của bà Mai Thị Triều, dâng hương tưởng nhớ người đã có công với dân làng.

Sỹ Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/soi-noi-le-hoi-su-ba-ngoc-nu-mai-thi-trieu/109394.htm