Soi mức thuế khai báo hàng nhập khẩu có xuất xứ từ các nước không được hưởng ưu đãi

Khi kiểm tra mức thuế khai báo, công chức hải quan phải lưu ý các trường hợp khai thuế suất ưu đãi nhưng không đáp ứng quy định được hưởng thuế suất ưu đãi, phải áp dụng thuế suất thông thường (đặc biệt là các trường hợp có thuế suất ưu đãi là 0% phải áp dụng thuế suất thông thường là 5%).

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Đây là yêu cầu của Tổng cục Hải quan đối với hải quan các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế suất khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu, khi kiểm tra mức thuế khai báo, phải lưu ý các trường hợp khai thuế suất ưu đãi nhưng không đáp ứng quy định được hưởng thuế suất ưu đãi, phải áp dụng thuế suất thông thường (đặc biệt là các trường hợp có thuế suất ưu đãi là 0% phải áp dụng thuế suất thông thường là 5%).

Đối với hàng hóa NK khai thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định FTA nhưng thuộc đối tượng loại trừ, không được áp dụng FTA, trong đó phải kiếm tra cụ thể mức thuế theo quy định tại các biểu thuế đối với trường hợp khai báo thủ công (có ký hiệu chữ “M” bên phải cột “thuế suất”), đồng thời xác định rủi ro và chuyển thông tin rủi ro để thực hiện kiếm tra sau thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa.

Về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa phân luồng xanh, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu, sau khi hàng hóa thông quan, các Chi cục Hải quan nơi thông quan hàng hóa lưu ý đánh giá thông tin rủi ro trong việc khai sai mô tả hàng hóa, khai sai mục đích sử dụng, khai sai chủng loại hàng hóa, khai mã số ngụy trang để hưởng mức thuế suất thấp.

Đặc biệt là các mặt hàng không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt khai báo mã số sang mặt hàng được hướng thuế suất ưu đãi đặc biệt, các mặt hàng dễ lẫn, các mặt hàng NK từ các nước không được hưởng thuế suất ưu đãi (MFN) phải áp dụng thuế suất thông thường, chuyển thông tin rủi ro để thực hiện kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa.

Về công tác phân tích, phân loại, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố không thực hiện lấy mẫu hàng hóa phân tích để phân loại tràn lan như: hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng không lấy mẫu do Tổng cục hải quan ban hành; hàng hóa đã có Thông báo kết quả phân loại hoặc Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa (theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC và quy định tại khoản 13 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC).

Trường hợp có cơ sở nghi ngờ việc khai báo mã số của người khai hải quan không chính xác, có khả năng gian lận thì thực hiện lấy mẫu yêu cầu phân tích để kiểm chứng khai báo (quy định tại khoản 5 Điều 5 Quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1921/QĐ-TCHQ).

Về kiểm tra tên hàng, mã số, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, chỉ thực hiện điều chỉnh mã số sau khi kiểm tra trong thông quan hoặc sau thông quan theo thông báo kết quả phân loại hoặc thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa đã ban hành trước đó nếu hàng hóa thực tế NK giống với mô tả, cấu tạo, thành phần, tính chất lý hóa, công dụng nêu tại Thông báo kết quả phân loại, Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa.

Đối với mặt hàng đã thực hiện thủ tục xác định trước mã số: Khi có hàng hóa thực tế XK, NK, phải kiểm tra, đối chiếu giữa hàng hóa XK, NK khai báo trên tờ khai với hàng hóa trong thông báo xác định trước mã số, đặc biệt là trường hợp không đủ cơ sở để xác định tính chính xác hàng hóa NK khai báo trên tờ khai có đúng là hàng hóa được nêu tại Thông báo kết quả xác định trước mã số hay không để thực hiện phân loại chính xác.

Về thời hạn thực hiện Thông báo kết quả phân loại, Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa: Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1921/QĐ-TCHQ và hoàn thành trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo kết quả phân loại, Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố khi phản ánh vướng mắc đối với các trường hợp phân tích, phân loại cụ thể, yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương báo cáo rõ ràng, cụ thể hồ sơ vụ việc, các vướng mắc dẫn đến không thể xác định được mã số hàng hóa, quan điểm phân loại và gửi kèm theo toàn bộ hồ sơ có liên quan.

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kiem-tra-chat-muc-thue-khai-bao-voi-hang-nhap-khau-co-xuat-xu-tu-cac-nuoc-khong-duoc-huong-uu-dai.aspx