'Soi' một ca sinh nở, xóa tan suy nghĩ trao nhầm con

Sự việc trao nhầm con tại Bệnh viện (BV) đa khoa Ba Vì khiến nhiều bà mẹ lo lắng khi chuẩn bị bước cửa sinh nở. Quy trình sinh nở tại các bệnh viện liệu có bảo đảm để các bà mẹ yên tâm?

Quy trình sinh nở tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được quản lý chặt chẽ tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh

Phóng viên báo Lao Động đã ghi nhận lại quy trình một ca sinh nở tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội trong ngày 13.7.

Ths.BS Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, mỗi năm, BV Phụ sản Hà Nội có từ 35-40 nghìn ca sinh nở. Nếu không áp dụng quy trình nghiêm ngặt thì việc trao nhầm trẻ sẽ là một nguy cơ rất lớn và hậu quả khôn lường.

Sau khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ đến viện làm thủ tục tại phòng khám. Nhân viên bệnh viện sẽ nhập tất cả thông tin của sản phụ vào máy tính, mỗi người có một mã số, bệnh án khác nhau. Từ phòng khám, thai phụ được chuyển đến phòng đẻ thường hoặc đẻ mổ. Trong trường hợp mổ bắt con, thai phụ được gây tê tủy sống nên hoàn toàn tỉnh táo. Trước khi tiến hành ca mổ, hộ sinh rút bộ số gồm hai "vòng nhận diện màu vàng" giống hệt nhau, đưa cho mẹ xác nhận. "Vòng nhận diện có mã số của từng thai phụ, họ tên mẹ và bé, mã vạch.

Mỗi thai phụ sẽ có mã số riêng ghi ở hồ sơ, sau đó được viết lên "vòng nhận diện" khi sinh.

Sau khi em bé ra đời, mẹ con sẽ thực hiện kỹ thuật da kề da. Y tá sẽ đưa con để mẹ nhận diện giới tính, hình hài. Hai "vòng nhận diện" giống hệt nhau về mã số, số seri, họ tên mẹ đồng thời được các y tá đeo vào mẹ và bé. Đặc biệt, ở vòng nhận diện có chốt khóa. Chốt này chỉ dùng được một lần. Chỉ sau khi xuất viện mới cắt bỏ. Trong trường hợp bị đứt (trường hợp này rất hy hữu vì vòng này khá dai và chắc) thì nhân viên y tế sẽ lập biên bản thay đổi lại tất cả số mã, số seri và hồ sơ.

Y tá kiểm tra lại tất cả hồ sơ, số mã, seri, họ tên mẹ trước khi chuẩn bị gắn cho mẹ và con.

Y tá ghi tên mẹ, số mã, seri trước mặt thai phụ trước mặt thai phụ trước khi sinh. Bút dạ viết chữ cũng khá đặc biệt, nước dính vào cũng không bị nhòe, mờ. Hàng ngày, trẻ sơ sinh được giao cho nhân viên y tế tắm, chữ viết cũng không thể bị xóa.

Y tá đọc lại tên mẹ cùng mã số, seri cho sản phụ trước khi gắn vào cho 2 mẹ con và cho mẹ kiểm tra "vòng nhận diện" lần cuối trước khi gắn vào mẹ và con.

"Vòng nhận diện" gắn cho mẹ.

Và đeo vào chân bé.

Chiếc "vòng nhận diện" đã được đeo vào cho cả mẹ và con. Ths.BS Lưu Quốc Khải cho biết: Với quy trình chặt chẽ như vậy, khả năng nhầm lần trẻ sơ sinh là điều khó thể xảy ra. Tại BV Phụ sản Hà Nội chưa từng xảy nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Còn việc trao nhầm con xảy ra là việc làm đáng tiếc, ngoài mong muốn. Điều quan trọng bây giờ là giải quyết để 2 bên gia đình nhận con về. Trong tương lai, các bé có thể là con nuôi của các gia đình.

L.Hà - T. Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/soi-mot-ca-sinh-no-xoa-tan-suy-nghi-trao-nham-con-618470.ldo