Soi món trang sức bí ẩn trên sọ người Nam Bộ 2.000 năm trước

Chiếc khuyên tai hai đầu thú của văn hóa Đồng Nai vẫn còn nằm trên hộp sọ của một nam giới khoảng 30-40 tuổi, có lẽ là thành viên một gia đình quý tộc thời đó...

 Khuyên tai hai đầu thú là tên gọi một loại hình đồ trang sức đặc sắc của cư dân văn hóa Đồng Nai, một nền văn hóa hưng thịnh ở khu vực Đông Nam Bộ vào khoảng 2.500 năm trước.

Khuyên tai hai đầu thú là tên gọi một loại hình đồ trang sức đặc sắc của cư dân văn hóa Đồng Nai, một nền văn hóa hưng thịnh ở khu vực Đông Nam Bộ vào khoảng 2.500 năm trước.

Các hiện vật này thường được làm bằng xương hoặc đá ngọc, chế tác cầu kỳ và đạt độ thẩm mỹ cao, có cấu trúc đồng nhất với vòng khuyên ở giữa, hai bên có hình hai chiếc đầu đối xứng nhau của một loài thú.

Hình tượng loài vật trên những chiếc khuyên tai này cho đến giờ vẫn là một ẩn số. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đó có thể là một loài móng guốc như trâu, dê, ngựa, hay thậm chí là sao la.

Việc tạo hình con vật trên khuyên tai cho thấy đây là một loài gần gũi hoặc có tầm quan trọng lớn với đời sống của cư dân văn hóa Đồng Nai, và có thể là biểu tượng cho một hình thức tín ngưỡng bản địa.

Việc khuyên tai hai đầu thú được phát hiện với số lượng lớn ở các di chỉ văn hóa Đồng Nai cho thấy nguồn gốc bản địa của loại hình trang sức này, và là minh chứng cho sự giao lưu của văn hóa Đồng Nai với văn hóa Sa Huỳnh cùng một số nền văn hóa khác, nơi có loại khuyên tai tương tự.

Một hiện vật đặc biệt liên quan đến khuyên tai hai đầu thú là một hộp sọ còn dính loại trang sức này bằng đá ngọc lam, được phát hiện năm 1994 ở di chỉ Giồng Cá Vồ, TP HCM. Vật đeo nằm ở vị trí tai của di cốt đã chứng minh đây là khuyên tai chứ không phải để đeo cổ như nhận định trước đó.

Khuyên tai trên hộp sọ của nam giới khoảng 30-40 tuổi, có lẽ là thành viên một gia đình quý tộc thời đó. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng xã hội của văn hóa Đồng Nai đã có sự phân tầng sâu sắc, thể hiện qua việc đeo khuyên tai bằng đá quý ở những người tầng lớp trên.

Ngược dòng lịch sử, vùng Đông Nam Bộ đã từng là một trung tâm văn hóa lớn trong thời đại kim khí ở nước ta, mà văn hóa Đồng Nai là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn vàng son của khu vực này.

Chủ nhân văn hóa Đồng Nai đã tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết để bước vào giai đoạn văn minh nhà nước, đó là văn hóa Óc Eo và sự hình thành vương quốc Phù Nam. (Ảnh trong bài chụp tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).

Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/di-san/soi-mon-trang-suc-bi-an-tren-so-nguoi-nam-bo-2000-nam-truoc-1512718.html