Soi lại Tây Đô

Tuần qua, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 45/NQ-TW đã tổ chức hội thảo Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một lần nữa, vai trò, vị trí, thành tựu, hạn chế của thành phố trực thuộc trung ương duy nhất trong vùng được "soi" kỹ.

Nhìn lại hơn 15 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc trung ương, đã có những ý kiến nhận định, đánh giá có phần trái chiều. Cần Thơ phát triển "nhanh hay chậm, đạt kết quả to lớn hay chưa tương xứng tiềm năng" đều có lý lẽ. Nhưng vấn đề là phải dựa trên một hệ quy chiếu, tiêu chí nào? Nếu nhìn về quá khứ, rõ ràng bộ mặt đô thị, nông thôn của thành phố có nhiều thay đổi. Nhưng liệu người dân có thật sự hài lòng? Để khẳng định đúng vị thế trung tâm vùng, đảm nhận vai trò động lực thu hút, lan tỏa phát triển, thì còn nhiều mặt phải phấn đấu trước yêu cầu không ai dừng lại để người khác đi thủng thẳng. Phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, nhưng phải bền vững hơn không phải là khẩu hiệu như danh xưng trung tâm, mà phải thực sự xứng đáng trong hiện thực. Khoảng cách từ vị trí trung tâm trên bản đồ, từ câu chữ trong nghị quyết đến hiện thực đời sống còn là một khoảng cách đòi hỏi trí tuệ, sự năng động, sáng tạo, kể cả sự dấn thân, chứ không thể chọn phương thuốc an toàn.

Lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm qua của ĐBSCL đã từng nổi lên các trung tâm. Từ Mỹ Tho đại phố, Long Hồ dinh, hay trấn Hà Tiên - Châu Đốc miền biên ải Tây Nam, một dải điền trang cò bay thẳng cánh của Bạc Liêu công tử hay nhất xứ Ba Xuyên - Sóc Trăng. Mỹ từ Tây Đô chỉ có sau này. Điều đó cho thấy, vị thế trung tâm vùng có thể dịch chuyển do nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử và mỗi địa phương có vai trò, vị trí, thế mạnh riêng mà Cần Thơ muốn phát huy vị thế Tây Đô thì phải thực sự là hạt nhân vừa thu hút vừa lan tỏa trong vùng và tạo ra động lực mạnh mẽ.

Trong 4 kịch bản được nhóm chuyên gia Hà Lan đưa ra trong Kế hoạch phát triển ĐBSCL đến năm 2100 có kịch bản "công nghiệp hóa nút kép" nhằm phát huy vai trò của Cần Thơ gắn với TP HCM như hai "nút kép" để thúc đẩy trục hành lang và không gian phát triển vùng. Nhìn về phía trước và trong hiện tại với yêu cầu trở thành một trung tâm vùng, còn nhiều vấn đề đặt ra cho Cần Thơ. Có người nhận xét thành phố đã đạt được nhiều mục tiêu phát triển, nhưng chưa đạt được mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp.

Song, trong khi khái niệm "thành phố công nghiệp" còn rất mơ hồ với nhiều người, thì có nên xác định đó là mục tiêu hay chỉ nên chọn "công nghiệp hóa" là phương tiện, gắn với vùng nông nghiệp, nông thôn mới rộng lớn? Chính sự hài lòng của người dân, đời sống của người dân tốt hơn được đo đếm bằng các tiêu chuẩn rõ ràng mới thật sự là mục tiêu. Muốn phát triển thì phải dựa trên nguồn lực. Nguồn lực lớn nhất của TP Cần Thơ không phải là vị trí địa lý trung tâm hay đất đai, tài nguyên sẵn có mà phải đến từ động lực mới, từ các cơ chế, chính sách không bị trói buộc như một thành phố của nông thôn, nên nó cũng rất cần sự năng động, sáng tạo hơn nữa của con người.

Cần Thơ không chỉ hát mãi bài ca "trung tâm vùng" hay quanh quẩn ở "sân nhà" mà cần tầm nhìn rộng lớn trong chuỗi các đô thị phát triển ở Đông Nam Á hay nhóm các đô thị đáng sống toàn cầu. Tại sao không?

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/soi-lai-tay-do-20200524205438435.htm