Soi danh mục đầu tư của 'cá mập' PYN Elite Fund

Dù tính chung đến nay, quỹ ngoại PYN Elite Fund vẫn ghi nhận hiệu suất đầu tư âm, song không thể phủ nhận độ nổi tiếng của 'cá mập ngoại' đến từ Phần Lan này nhờ phong cách đầu tư độc đáo và có phần 'khác người' với những cú 'quay xe' đi ngược thị trường và đem về kết quả bất ngờ trong giới đầu tư.

Báo cáo hoạt động mới công bố của PYN Elite Fund cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, hiệu suất tăng trưởng danh mục đầu tư cổ phiếu Việt Nam tăng xấp xỉ 11%. Như vậy, sau 2 tháng “chật vật” với hiệu suất đều âm trên 10%, danh mục của PYN Elite đã hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vẫn âm đến hơn 29%.

Miệt mài “ôm” cổ phiếu nhà băng

Tính đến thời điểm 30/11, giá trị tài sản ròng (NAV) của PYN Elite đạt 390,85 triệu Euro (~9.800 tỷ đồng). Trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm 87,3% NAV có đến 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Đây là lần đầu tiên chứng chỉ quỹ ETF này lọt vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite.

Trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của PYN Elite Fund, chiếm 87,3% NAV có đến 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính. (Ảnh: Int)

Trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục của PYN Elite Fund, chiếm 87,3% NAV có đến 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính. (Ảnh: Int)

Nhìn chung, hầu hết các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ ngoại này đều có hiệu suất khả quan. Thậm chí, 3 cái tên VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail) và STB (Sacombank) còn tăng trên 20%.

Đáng chú ý, cổ phiếu STB dù chỉ mới lọt vào top 10 các khoản đầu tư lớn nhất trong tháng 11 vừa qua nhưng đã đóng góp không nhỏ vào hiệu suất chung của quỹ.

Tính riêng trong nhóm ngân hàng, từ đầu tháng 11, cổ phiếu STB luôn dẫn đầu thanh khoản đầu ngành, và đây cũng là mã được khối ngoại gom mạnh nhất.

Thực tế, không chỉ quỹ ngoại PYN Elite Fund, mà ngay cả nhóm quỹ Dragon Capital mới đây cũng không ngại chi khoảng hơn 111 tỷ đồng mua ròng tổng cộng 5,1 triệu cổ phiếu STB để trở thành cổ đông lớn của Sacombank, ngay sau khi cổ phiếu STB đã tăng gần 50% từ đáy vào giữa tháng 11.

Về Sacombank, đây hiện là ngân hàng lớn thứ 6 về quy mô tín dụng và lớn thứ 4 về chi nhánh. Nhờ mạng lưới rộng lớn và cơ sở khách hàng dồi dào, bancassurance của nhà băng này đạt hiệu quả hoạt động đứng top 3.

Theo báo cáo tài chính, thu nhập phí ròng 9 tháng năm 2022 tăng 82% so với cùng kỳ và đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp phần lớn đến từ bancassurance.

Tuy nhiên, Sacombank vẫn đang chịu gánh nặng lớn về tài sản không hoạt động (NPA) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước. Hàng năm, ngân hàng này phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng NPA, bởi vậy tăng trưởng có vẻ yếu hơn so với thực tế.

Dù vậy, PYN Elite hy vọng tất cả NPA của Sacombank sẽ bị xóa trong năm 2023. Ngoài ra, nhà băng này cũng ít liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn. Đây cũng là lý do chủ yếu khiến quỹ đầu tư đến từ Phần Lan gia tăng đáng kể tỷ trọng cổ phiếu của ngân hàng này trong giai đoạn thị trường sụt giảm đầu tháng 11.

Nhận định “khác người”

Nhìn nhận chung về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt, nhà sáng lập quỹ PYN Elite Fund, ông Petri Deryng cho biết, dù rất bối rối và ngạc nhiên về TTCK Việt trong thời gian qua, nhưng ông vẫn tin tưởng VN-Index sẽ tăng trưởng tích cực.

Bởi TTCK Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khu vực, nhưng định giá lại đang rơi xuống mức thấp chưa từng có. Về nội tại, các công ty niêm yết của Việt Nam vẫn rất vững chắc và tỷ lệ ròng của nợ trên vốn chủ sở hữu đạt 19,4%, ở mức vừa phải. Xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng trong năm 2022. Dự phóng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt mức từ 20 đến 25% và sang năm 2023 là 18%.

Mặc dù hiện nay, bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro, cộng thêm việc đồng VND mất giá đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang và kém tích cực hơn, song hiện các cơ quan quản lý cũng đã công bố một danh sách các hành động nhằm khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính. Do đó, nhà đầu tư có thể hy vọng về những điều tốt đẹp hơn, đồng thời có thêm lý do chính đáng để tin rằng VN-Index sẽ bay cao trong vòng 1 năm tới.

Đáng chú ý, trong bối cảnh lãi suất tăng, nhiều nhận định cho rằng ngành ngân hàng và bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, trong danh mục của PYN Elite Fund, 2 nhóm cổ phiếu này lại đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn.

Đưa ra lý do vẫn “đặt cược” vào nhóm cổ phiếu ngân hàng bất chấp lãi suất tăng, người đứng đầu PYN Elite Fund cho rằng, ngành ngân hàng đã hoạt động rất tốt trong nửa đầu năm 2022. Mặc dù sự tăng trưởng này có thể không kéo dài nhưng PYN Elite Fund vẫn kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2022 có thể đạt mức tăng trưởng 30%.

“Đúng là ngành ngân hàng sẽ bị tác động khi lãi suất tăng nhưng sẽ không có quá nhiều tác động vì ngoài thu nhập từ lãi, ngân hàng còn đạt được tăng trưởng trong thu nhập từ phí, đơn cử như Vietcombank (VCB) và TPBank (TPB)”, lãnh đạo PYN Elite Fund cho biết.

Người đứng đầu quỹ ngoại này cũng đưa ra dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ không giảm mà vẫn đạt được tăng trưởng hàng năm, vì vậy khi mua cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ không thể có trục trặc và chắc chắn có lãi.

Còn đối với ngành bất động sản, ông Petri Deryng cho rằng, doanh nghiệp trong ngành này như CTCP Vinhomes sẽ có một năm đạt kỷ lục trong việc “bán hàng trước”, hay nói cách khác là phần tiền khách hàng trả trước hay đặt cọc mua sản phẩm trong năm nay và năm tới. Theo ông, diễn biến này sẽ không bị đảo ngược. Lãi suất sẽ không “nhảy dựng” tăng lên gấp đôi mà sẽ tăng dần dần, người tiêu dùng sẽ hấp thụ được mức lãi suất này và không có sự đe dọa cho thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/soi-danh-muc-dau-tu-cua-ca-map-pyn-elite-fund-1089922.html