SoftBank và KDDI của Nhật Bản bơm 38 tỉ USD vào 5G

Các khoản đầu tư được coi là thúc đẩy nền kinh tế trong khi quốc gia này cố gắng bù đắp khoảng cách.

Theo Nikkei Asian Review, hai trong số các nhà cung cấp dịch vụ di động lớn của Nhật Bản, SoftBank và KDDI, có kế hoạch đầu tư tổng cộng 38 tỉ USD vào các mạng không dây 5G nước này trong thập kỷ tới.

Chuyển đổi sang một tiêu chuẩn không dây thế hệ mới đòi hỏi đầu tư vốn đáng kể. Công nghệ 5G dự kiến sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp từ dịch vụ internet đến lĩnh vực ô tô, thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản nói chung trong những năm tới.

Gần đây, SoftBank quyết định chi 2.000 tỉ yen (19 tỉ USD) để thiết lập mạng 5G trải dài 350.000 trạm gốc trong 10 năm. Điều này khiến SoftBank trở thành công ty viễn thông Nhật đầu tiên tiết lộ chiến lược mạng dài hạn.

Một trạm cơ sở thí điểm do Huawei phát triển trên nóc một tòa nhà ở Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Bước đầu tiên, công ty sẽ mở rộng từ mức dưới 10.000 trạm gốc hiện tại lên 50.000 trạm gốc vào tháng 3.2022, tập trung vào việc thiết lập dịch vụ 5G tại các khu vực đông dân cư. SoftBank đặt mục tiêu có 200.000 trạm gốc vào khoảng năm 2025. Điều này đảm bảo truy cập 5G liên tục cho tất cả người dùng di động trên toàn quốc.

Cuối cùng, SoftBank cũng đặt mục tiêu biến 5G thành tiêu chuẩn cho các hoạt động kinh doanh. Mạng 5G cho phép truyền một lượng lớn dữ liệu đến nhiều thiết bị với thời gian trễ tối thiểu.

Bằng cách thiết lập một mạng lưới các trạm gốc rộng khắp, SoftBank sẽ khuyến khích nhiều công ty chuyển sang 5G và thúc đẩy những phát triển mới trong các lĩnh vực sử dụng nhiều dữ liệu như Internet of Things, y tế từ xa và xe hơi tự lái.

Trong khi đó, đối thủ của SoftBank – công ty KDDI sẽ đầu tư 2.000 tỉ yen trong 10 năm tới vào 5G và công nghệ tiên tiến 6G, với nỗ lực đạt 50.000 trạm gốc 5G vào tháng 3.2022.

Hai nhà cung cấp dịch vụ di động lớn khác của Nhật là NTT Docomo và Rakuten cũng dự kiến xây dựng thêm nhiều trạm gốc.

Thế giới đã áp dụng công nghệ mạng di động mới khoảng một lần mỗi thập kỷ kể từ khi xuất hiện mạng không dây thế hệ đầu tiên. Mạng không dây thế hệ đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980, sử dụng bởi các thiết bị như điện thoại ô tô.

Đầu tư vào 4G đạt đỉnh điểm vào giai đoạn 2013 - 2014, khi 3 nhà mạng di động hàng đầu của Nhật Bản rót tổng cộng 1.800 tỉ yen vào công nghệ này. Các khoản đầu tư liên quan đến di động bắt đầu tăng từ năm 2019 với sự gia tăng của 5G.

4 nhà mạng của Nhật Bản tránh xa công nghệ 5G của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Việc chuyển sang 5G dự kiến mang lại lợi ích lớn hơn cho Nhật Bản so với 4G. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều quốc gia đang né tránh sử dụng các sản phẩm do công ty viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc sản xuất. Điều này kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty Nhật Bản như NEC và Fujitsu, mặc dù phần lớn thị trường vẫn do Nokia và Ericsson kiểm soát.

Nhu cầu về điện thoại thông minh tương thích với 5G, đòi hỏi nhiều linh kiện hơn điện thoại 4G. Do đó, vì lợi ích của các nhà sản xuất linh kiện, nhu cầu về mạng 5G cũng sẽ tăng lên. Nhà sản xuất chip Kioxia đã quyết định đầu tư 1.000 tỉ yen để xây dựng một nhà máy mới nhằm tăng cường sản lượng chip nhớ cho điện thoại 5G.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang tụt hậu trong việc triển khai 5G. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty Omdia của Anh đã xếp hạng Hàn Quốc là thị trường 5G hàng đầu thế giới, Mỹ ở vị trí thứ 4 và Trung Quốc ở vị trí thứ 8. Trong khi đó, Nhật Bản đứng thứ 13.

Theo Hiệp hội GSM, các công ty viễn thông trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư tổng cộng 1.100 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Các công ty Nhật Bản đã kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ trong các khoản đầu tư 5G, đặc biệt là khi Thủ tướng Yoshihide Suga kêu gọi các nhà mạng di động cắt giảm giá cước.

Phùng Mỹ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/softbank-va-kddi-cua-nhat-ban-bom-38-ti-usd-vao-5g-3337882/