Sốc với biến tướng việc làm Mascot các trận bóng đá ở Anh

Hình ảnh các cầu thủ ra sân trước các trận đấu có dắt theo trẻ em từng được ca ngợi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng nhưng thực tế lại là nguồn thu béo bở cho những đội bóng đá ở Anh.

Xuất hiện lần đầu tại vòng chung kết EURO 2000, việc cầu thủ hai đội ra sân có dẫn theo các bé trai bé gái được giới truyền thông và người hâm mộ trên toàn thế giới đánh giá rất cao. Tại lễ bốc thăm VCK World Cup Hàn Quốc – Nhật Bản 2002, FIFA ra thông cáo về việc hợp tác với UNICEF để thực hiện chiến dịch "Say Yes for Children" với mục đích bảo vệ cuộc sống của trẻ em trên toàn thế giới và chỉ ra bóng đá sẽ tạo ra sự khác biệt cho thiếu nhi nói chung.

Messi và dàn mascot của tuyển Argentina tại World Cup 2014

Messi và dàn mascot của tuyển Argentina tại World Cup 2014

Được xem là linh vật (mascot) của bóng đá, hình ảnh các em nhỏ xuất hiện bên cạnh cầu thủ hai đội, nắm tay những thần tượng của mình bước vào sân mỗi trận đấu là hành vi hết sức nhân văn. Ý nghĩa được đề cao chính là việc các cầu thủ phải luôn phấn đấu, giữ gìn hình ảnh bản thân để trở thành tấm gương sáng, là hình mẫu cho trẻ em noi theo. Việc các cô cậu bé thường được chọn từ trường học hoặc những học viện đào trẻ, CLB bóng đá địa phương cũng mang ý nghĩa tương tự bởi các em sẽ luôn tự hào khi được khoác lên mình màu áo của CLB hoặc của đội tuyển quốc gia, mong mỏi trong tương lai sẽ có cơ hội được cố gắng hết mình cho màu cờ sắc áo.

Hình ảnh đẹp khi tuyển thủ Morocco Mehdi Benatia che mưa cho cậu bé Mascot

Việc làm rất có ý nghĩa này, đáng tiếc thay, đã bị "biến tướng" thành công cụ kiếm tiền của nhiều đội bóng Anh theo điều tra mới đây của nhật báo The Telegraph. Không chỉ đắt hơn giá vé vào sân dành cho đối tượng thiếu nhi, chi phí phải bỏ ra để trẻ em được làm mascot trong một trận đấu đã trở thành gánh nặng của nhiều gia đình nếu muốn đáp ứng ước mơ hết sức giản dị và trong sáng của con em.

Julian Knight, người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh, đã thực hiện một báo cáo hoàn chỉnh về sự việc này đồng thời khẳng định: "Việc được đóng vai mascot ở các trận đấu đang trở thành một đặc quyền của con em những gia đình khá giả, đối nghịch hoàn toàn với quyền lợi của tầng lớp nhân dân lao động, chính là những người nuôi sống bóng đá từ buổi đầu".

Làm Mascot ở Tottenham với giá 485 bảng/trận

Man City, Man United là hai trong số 7 đội bóng Ngoại hạng vẫn đang tạo cơ hội làm Mascot miễn phí cho các cô cậu bé tại địa phương, cùng với Liverpool, Arsenal, Chelsea, Newcastle và Southampton. Các đội bóng West Ham, Nottingham Forest, Norwich hay Aston Villa đang "rao bán" các suất làm Mascot lên đến 500 bảng/trận. Giá mềm hơn một chút có Tottenham (485 bảng), Crystal Palace (375 bảng), Leicester (355 bảng), Bournemouth (235 bảng)… Brighton thậm chí còn có giá riêng cho Mascot nắm tay thủ quân (350 bảng) trong khi nắm tay các cầu thủ khác, giá chỉ 250 bảng! Rẻ nhất là Watford (100 bảng) và cao nhất chính là West Ham với giá khủng 700 bảng/trận…

Câu chuyện giữa Jermain Defoe và cậu bé ung thư Bradley Lowery khó tìm thấy ngày nay

Bán giá cao nhưng có phần áy náy, nhiều đội tuyên bố trích một phần tiền thu được để làm từ thiện hoặc quỹ công tác xã hội. Burnley rao giá 310 bảng/suất cho 4 suất Mascot đặc biệt mỗi trận, tiền sung vào quỹ dùng cho các hoạt động phi lợi nhuận trong khi 6 suất khác chỉ có giá 40 bảng/suất.

Đông Linh (theo Marca, The Telegraph)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/soc-voi-bien-tuong-viec-lam-mascot-cac-tran-bong-da-o-anh-20200212093039473.htm