Sốc với áp lực học tập khủng khiếp của trẻ em Trung Quốc từ khi mới 2 tuổi

Một đứa trẻ 2,5 tuổi bị hói đầu vì phải học nhiều để chạy đua vào trường điểm là câu chuyện đang xôn xao tại Trung Quốc mấy ngày qua. Tuy nhiên, áp lực học hành ở quốc gia này còn khốc liệt hơn thế.

Cậu bé Xiao Nan, 2,5 tuổi, ở Thượng Hải đang gây tranh cãi dư luận Trung Quốc vì áp lực học hành đã khiến cho bé rụng tóc thành từng mảng.

Quả thật, vì mong muốn con mình được nhận học vào trường mầm non nổi tiếng nên cha mẹ Xiao đã cho em đi học đủ các lớp, từ tiếng Anh, toán, vẽ, đàn, kỹ năng…trong khi cậu bé chưa đầy 3 tuổi.

Tuy nhiên, nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội Trung Quốc, chúng ta sẽ phần nào thấu hiểu vì sao cha mẹ của Xiao lại tạo ra áp lực ấy cho con.

Cậu bé Xiao mới 2,5 tuổi nhưng đã bị rụng tóc vì áp lực học hành (Ảnh minh họa)

Học thêm từ năm 2 tuổi

Có thể nói, Trung Quốc có hệ thống giáo dục được liệt vào top nghiêm khắc và khắc nghiệt nhất thế giới. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được dạy dỗ rằng phải học tập thật tốt thì lớn lên mới thành công.

Các em mới 2 tuổi đã phải đi học thêm.

Theo quan niệm của đất nước này, việc không đỗ vào một trường nào đấy là một thất bại lớn trong đời. Chính vì thế, từ khi còn học mẫu giáo, trẻ em Trung Quốc đã phải học rất nhiều thứ.

Tại Hong Kong, các em phải nỗ lực rất nhiều mới có thể ghi danh vào những trường mầm non nằm trong top trên. Nhiều phụ huynh còn không ngại ngần cho con học một khóa học thêm gồm 12 học phần, tốn 4.480 HK$ (tương đương 13 triệu đồng) và gần bằng ¼ thu nhập trung bình của một gia đình.

Vậy là các em mới 2 tuổi đã phải học âm nhạc, múa hát, chơi trò chơi và đào tạo cả kỹ năng phỏng vấn. Mặc dù văn phòng giáo dục cho biết có đủ chỗ dành cho tất cả các em nhỏ nhưng các bậc phụ huynh thì vẫn ngày mất ăn, mất ngủ trước kỳ tuyển sinh vào trường mẫu giáo của các con.

Bố mẹ phải làm bài thi để con được tuyển vào lớp 1

Trẻ em Trung Quốc oằn mình ôn thi.

Vào tháng 5 năm nay, 171 trường tiểu học ở thành phố Thượng Hải đã phỏng vấn các em nhỏ để lựa chọn thế hệ học sinh mới cho trường. Do số lượng tuyển sinh có hạn nên một số trường còn xét thêm tiêu chí học vấn của phụ huynh.

Một trong những câu hỏi dành cho các bậc phụ huynh.

Tại trường tiểu học Yangpu, phụ huynh phải xếp hàng để nhận danh sách câu hỏi với rất nhiều câu đố IQ và được yêu cầu giải chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Một trường tiểu học quốc tế khác cũng đưa ra cách làm tương tự và yêu cầu phụ huynh cung cấp thông tin về trình độ học vấn của họ.

Cha mẹ xếp hàng rồng rắn hơn 24 tiếng để xin học cho con

Hay một hình thức tuyển sinh khác là các bậc cha mẹ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã phải xếp hàng hơn 24 tiếng đồng hồ để ghi danh cho con mình học mẫu giáo bằng phương pháp... bốc thăm xổ số!

Vừa thở bình oxy vừa học bài

Đến khi lớn lên, các em lại phải chiến đấu với kỳ thi vô cùng gắt gao, khắc nghiệt. Đó là kỳ thi tuyển sinh Đại học Quốc gia (hay còn gọi là Gaokao).

Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).

Ngay từ khi còn học cấp 2, các em học sinh đã phải chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi Gaokao.

Những học sinh phải thở bình oxy trong bệnh viện ở Toại Ninh, Tứ Xuyên, nhưng tay không rời quyển sách hóa học.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Gaokao, nhiều học sinh chia sẻ họ đã phải học hơn 15h mỗi ngày, không có thời gian ngủ, thậm chí còn chẳng đủ thời gian để ăn uống chứ chưa nói đến vui chơi.

Yuan Qi, 18 tuổi, học sinh ở Bắc Kinh cho biết lần đầu tiên được nghe nhắc tới gaokao là từ giáo viên tiểu học. Để sẵn sàng cho kỳ thi vào tháng 6, Yuan Qi chỉ ngủ 6 đến 7 tiếng mỗi đêm kể từ tháng 3. Cậu nhồi nhét kiến thức 12 tiếng mỗi ngày hàng tháng trời trước kỳ thi, học thêm chăm chỉ vào cuối tuần, dành rất nhiều thời gian làm bài thi thử.

Thi đại học ở Trung Quốc được cho là 'khó nhất thế giới'. Trước khi bước vào thi, tất cả thí sinh đều phải trải qua cuộc kiểm tra nghiêm ngặt: nhận diện gương mặt, xác nhận vân tay, quét cơ thể để phát hiện kim loại, thậm chí nữ sinh còn không được mặc áo ngực có gọng kim loại. Nếu phát hiện có gian lận trong thi cử, thí sinh sẽ bị tước quyền thi từ 1-3 năm và có nguy cơ bị ngồi tù từ 3-7 năm.

Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt trường hợp trẻ trầm cảm, tự kỷ, sức khỏe sa sút, kể cả tình huống xấu nhất là tự tử.

Khánh Hằng - Tào Nga

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/giao-duc/soc-voi-ap-luc-hoc-tap-khung-khiep-cua-tre-em-trung-quoc-tu-khi-moi-2-tuoi-c42a589935.html