Sóc Trăng quyết liệt phòng chống dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh, đặc biệt địa phương láng giềng là Hậu Giang đã công bố dịch, Sóc Trăng đang quyết liệt, khẩn trương kiểm soát các chốt chặn kiểm dịch để bảo vệ đàn heo của tỉnh.

Theo số liệu của ngành Thú y Sóc Trăng, tổng đàn heo của tỉnh hiện có 237.300 con, trong đó có 84 trang trại với 96.629 heo thịt, 1.040 heo nái; có 30 lò giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có lò có công suất giết mổ 300 con heo/đêm. Với các lò mổ này, cơ quan chức năng cho biết thương lái đưa heo thịt từ các tỉnh lân cận về Sóc Trăng giết mổ phục vụ thị trường ở tỉnh mỗi ngày khá nhiều, phần lớn heo từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh...

Cán bộ Thú ý tiêu độc, khử trùng và niêm phong xe chở heo trước khi di chuyển tiếp.

Cán bộ Thú ý tiêu độc, khử trùng và niêm phong xe chở heo trước khi di chuyển tiếp.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng là nơi quá cảnh việc vận chuyển heo từ nơi khác về các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau qua các tuyến đường Quốc lộ 1, Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60 từ Trà Vinh sang địa bàn huyện Cù Lao Dung và Đại Ngãi (Long Phú). Để ngăn ngừa tình trạng lây lan của DTHCP, Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa bệnh DTHCP với các biện pháp như: tuyên truyền cho người chăn nuôi cũng như nhân dân về cách phòng tránh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; vận động các hộ dân thực hiện tốt 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết, trước tình hình DTHCP đang có những diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các sở, ngành, các cơ quan đoàn thể chính trị, chính quyền địa phương cùng vào cuộc, quán triệt với phương châm “chống dịch như chống giặc” để phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn và kiểm soát DTHCP. Thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục để người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với phương châm “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; đồng thời, đảm bảo việc bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh tâm lý chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt heo không bị bệnh. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tại các tỉnh lân cận để có biện pháp ngăn chặn, ứng phó kịp thời, không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, có phương án tiêu hủy heo bệnh khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động chăn nuôi và cuộc sống của người dân. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; triển khai thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và giết mổ. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm soát 24/24 giờ đối với việc vận chuyển heo, các sản phẩm thịt heo từ các tỉnh vận chuyển vào tỉnh Sóc Trăng thông qua trạm đầu mối kiểm dịch, các chốt kiểm soát (thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển, vệ sinh và phun tiêu độc sát trùng). Tăng cường công tác quản lý giết mổ heo, heo nhập vào lò mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, không có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là DTHCP.

Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Ngay từ khi có thông tin về DTHCP dịch xảy ra tại các tỉnh phía Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường lực lượng kiểm soát, kiểm tra tại các trạm kiểm dịch cố định và thành lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu. Tiến hành kiểm tra các thủ tục hành chính về nguồn gốc heo, các phiếu kiểm dịch, hợp lệ sẽ tiến hành phun thuốc sát trùng”.

Giám đốc Sở NN&PTNT Lương Minh Quyết cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp các ban ngành, đoàn thể và chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở phối hợp cùng triển khai kiểm soát các phương tiện vận chuyển, nhập heo, sản phẩm từ heo đi qua tỉnh, trên các tuyến đường 24/24 giờ; thường xuyên kiểm tra các lò giết mổ về nguồn gốc heo nhập; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch động vật và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn các cấp chủ động tổ chức, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nếu nghi ngờ heo mắc bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của DTHCP, các chính sách hỗ trợ tiêu hủy bắt buộc theo quy định và xây dựng kịch bản cho các địa phương ứng phó phòng chống DTHCP cũng như lựa chọn địa điểm phù hợp tiêu hủy heo nếu có dịch xảy ra nhằm đảm bảo môi trường xung quanh”.

Ở TP Sóc Trăng, theo thống kê của ngành thú y, hiện trên 10.000 con heo của 353 hộ nuôi, 3 trang trại và 1 cơ sở giết mổ tập trung tại Phường 8 và 2 điểm trung chuyển heo tại Phường 4 và Phường 7. Thời gian qua, UBND TP Sóc Trăng chỉ đạo phòng kinh tế, trạm thú y và các ngành liên quan, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các lò mổ gia súc tập trung, chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, phân công cán bộ trực hàng ngày, tiến hành kiểm tra tại cơ sở trước khi đưa ra thị trường, lực lượng chức năng kiểm tra việc vận chuyển và nhập heo từ các tỉnh vào địa phận tỉnh, thành phố.

Tại Trạm kiểm dịch động vật Đại Hải (huyện Kế Sách), Trưởng trạm Nguyễn Viết Thanh, cho biết: “Chúng tôi trực 24/24 giờ, khi có heo xuất chuồng sẽ cho cán bộ kiểm tra ngay tại cơ sở. Sau khi đưa heo lên xe vận chuyển đi nơi khác, cán bộ của Trạm sẽ kiểm tra lần nữa, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng xong mới cấp giấy phép vận chuyển. Heo ở các địa phương khác về Sóc Trăng cũng phải qua trạm kiểm tra hồ sơ giấy tờ, phun thuốc tiêu độc khử trùng đầy đủ”.

Cao Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/soc-trang-quyet-liet-phong-chong-dich-ta-heo-chau-phi-546594/