Sóc Trăng: Người dân ấp 'Bồn Bồn' vươn lên thoát nghèo

Chúng tôi về ấp Tam Sóc B1, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng để chứng kiến tận mắt sự đổi thay của một vùng quê sâu từng được xem là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất huyện.

Ông Võ Minh Hưng, trưởng ấp Tam Sóc B1 kể lại: “ấp nầy có 265 hộ dân nhưng đã có gần 90 % hộ là người dân tộc Khmer không đất sản xuất, trình độ nhận thức, hiểu biết về KHKT rất hạn chế. Đã vậy thói quen không biết lo xa vẫn còn rất phổ biến từ đó nhiều hộ tuy được nhà nước hỗ trợ rất nhiều nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Những cánh đồng Bồn bồn ấp Tam Sóc B1

Ông Hưng còn kể thêm: ấp có 180 ha nhưng đã có trên 80% diện tích đất sản xuất của ấp lại rơi vào vùng trủng thấp; mỗi năm nước mặn xâm nhập từ 6 đến 8 tháng khiến nông dân không sản xuất lúa được. Từ đó chỉ có một vài hộ dân bỏ vốn nuôi tôm sú qui mô nhỏ nhưng hiệu quả không cao. Trước tình hình trên, ấp đã lên phương án chọn mô hình nuôi bò thịt và trồng cây bồn bồn để làm cuộc bút phá đổi đời trên vùng quê nghèo nầy.

Người tiên phong trồng cây bồn bồn ở ấp nầy là ông Đinh Văn Đông, hiện đã 52 tuổi. Sau khi hoàn thành NVQS trở về năm 1989, ông Đông đã chọn cây bồn bồn làm phương kế mưu sinh của mình và người dân trong ấp. Ban đầu ông Đông trồng thử nghiệm bồn bồn trên 4 công đất nhà, thấy cây nầy ăn nên làm ra nên ông tích lũy tiền lãi hàng năm để mua thêm đất phát trồng thêm, đến nay ông đang canh tác 15 công đất nhà và 10 công đất thuê. Với cách làm rất bài bản, khoa học, tính toán rất chu đáo nên bình quân mỗi công ( 1.000 mét vuông), ông thu về trên 1.000 kg bồn bồn tươi. Với giá bán bình quân từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg bồn bồn tươi, 30.000 đồng bồn bồn làm dưa, trừ hết các khoản chi, ông thu lãi trên 250.000.000 đồng, một con số rất đáng trân trọng bởi được thu về trên diện tích vùng ngập mặn không thể canh tác lúa hay rau màu khác.

Người dân thu hoạch bồn bồn

“Hồi đầu thấy anh Đông trồng bồn bồn ai cũng xì xầm bàn ra, nhưng khi thấy thu hoạch trúng quá cao gấp nhiều lần so với làm lúa nên họ bắt chước làm theo. Đại đa số người dân ở dây là người Khmer nên trình độ học vấn hạn chế lắm nhưng nhờ có anh Đông hướng dẫn tận tình nên hiện nay cuộc sống họ đã thực sự ổn định”. Trưởng ấp Võ Minh Hưng kể thêm.

Hiện nay đã có trên 10 hộ dân đã làm theo cho thu nhập khá và ổn định với diện tích trên 10 ha đất. Bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy với lợi thế có nhiều cỏ trên các ao mương, hàng chục hộ dân đã được cấp vốn nuôi bò thịt, bò sữa sau khi được cán bộ tập huấn kỹ thuật nuôi rất bài bản. Đến nay đã có 70 hộ chăn nuôi bò với tổng đàn lần đến 170 con các loại; nhiều hộ có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm từ việc nuôi bò. Cạnh đó địa phương đã mở rộng các mô hình gia công hàng tiểu thủ công nghệ như đan đác, làm sản phẩm từ tre, hợp đồng với các xã bạn để người lao động có việc làm ổn định, đa số là làm việc tại các trại sản xuất, nuôi trồng tôm, sản xuất bồn bồn, các công trình xây dựng… từ đó tỉ lệ hộ nghèo trong ấp từ 40% nay đã xuống còn 15%, một con số rất đáng mừng từ một vùng quê rất đỗi khó khăn và sẽ còn giảm tiếp tục trong tương lai khi tỉ lệ trồng bồn bồn đang được mở rộng.

Bồn bồn, sản phẩm chủ lực của ấp

Ông Kim Thay, người dân tộc Khmer phấn khởi nói : “Nhà tui trước đây khó khăn lắm phải chạy ăn từng ngày, từ khi trồng bồn bồn và nuôi bò thịt đã đủ ăn, đủ mặc, mừng quá đi chớ. Nhờ vậy đã cho mấy đứa nhỏ tới trường đầy đủ, có đứa đã vô đại học rồi đó.”.

Khi đã có cái ăn, cái mặc, người dân ấp “Bồn bồn” (cách gọi nôm na của bà con ấp Tam Sóc B1 nầy) bảo nhau thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí trong sinh hoạt gia đình, tổ chức lễ, tết, hiếu hỉ, cưới hỏi, tang ma như trước đây. Cạnh đó họ còn giúp nhau ngày công lao động để giảm bớt chi phí sản xuất; cùng nhau xóa bỏ các tệ nạn xã hội như: đá gà, đánh bạc, say sưa, gây rối trật tự công cộng; cùng nhau xây dựng ấp văn hóa, an toàn, văn minh.

Phát triển đàn bò của ấp “Bồn bồn”

Về ấp “Bồn bồn” hôm nay, chúng tôi đã cảm nhận được nhiều cái mới trong nếp nghĩ, cách làm của người Khmer hôm nay, đi trên những con đường to rộng phẳng lì nhựa mới; đi qua những cánh đồng bồn bồn đang xanh mát góc trời; qua những chuồng bò sạch, đẹp, khang trang…chúng tôi hiểu cuộc sống mới thực sự đã về trên vùng đất khó một thời gánh chịu nhiều bom đạn chiến tranh nay đã hồi sinh rất diệu kỳ, cứ tưởng như mơ.

TÔ PHỤC HƯNG

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/soc-trang-nguoi-dan-ap-bon-bon-vuon-len-thoat-ngheo-105470